TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC DO ĐỘC TỐ TỰ NHIÊN

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận 03 vụ ngộ độc thực phẩm làm 19 người mắc, đưa tới bệnh viện cấp cứu 15 ca, 01 trường hợp tử vong. Trong đó có 02 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên, đã có trường hợp tử vong và để lại hậu quả nặng nề cho những người bị ngộ độc dù được chữa khỏi.

Cấp cứu Nạn nhân ngộ độc thực phẩm tại Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh (09/7/2022)

Thực hiện Công văn số 1422/ATTP-NĐTP, ngày 06/7/2022 của Cục ATTP về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

1. Phối hợp với ngành nông nghiệp và các Ban, ngành liên quan trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, sử dụng các loại cây, củ quả rừng tự nhiên… và phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật theo đặc điểm vùng miền, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng lạ…; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào các địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc và các nơi đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc.

3. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc. Các tuyến y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

4. Khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại địa phương đề nghị các Trung tâm Y tế huyện, thành phố thành lập Đội điều tra và tổ chức điều tra ngay theo Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm” và báo cáo kịp thời bằng văn bản theo Quyết định số 3081/QĐ-BYT ngày 17 tháng 7 năm 2020 về việc ban hành “Quy định chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế”.

Đối với Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Sở Y tế đề nghị khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới đến có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm thì báo ngay cho Sở Y tế bằng văn bản hoặc liên hệ số điện thoại của Trưởng phòng Quản lý ATVSTP: 0826.542.209 để cùng phối hợp điều tra, xử lý và báo cáo kịp thời theo quy định./.

T.V.N

Nguồn: soyte@backan.gov.vn