Thành phố Bắc Kạn giải quyết đầu ra cho gỗ rừng trồng

          Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố Bắc Kạn và sự tham gia tích cực của nhân dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ được thành lập, phát triển.

Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ngọc Minh, phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn đi vào hoạt động từ năm 2013, chuyên sản xuất đũa gỗ và ván bóc. Mỗi năm, đơn vị này thu mua khoảng 10.000m3 gỗ cho bà con khu vực thành phố Bắc Kạn và các huyện trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các loại gỗ mỡ, keo, bồ đề. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cũng như giá thu mua, đơn vị đã ký cam kết với bà con về đầu ra cho sản phẩm.Với chất lượng đảm bảo yêu cầu của đơn vị thu mua, công ty chuyên xuất khẩu đũa gỗ sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Ông Trần Văn Trường – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại &Dịch vụ Ngọc Minh cho biết: “Để thu nhập mình tăng lên và thu mua gỗ cho bà con được nhiều hơn nữa, chúng tôi dự tính đầu tư thêm dây chuyền đóng túi gỗ đũa. Dây chuyền mua của nước ngoài, lắp ráp thêm dây chuyền ván bóc để tăng đầu thu mua, tạo công ăn việc làm cho bà con ở đây.”

Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Hợp tác xã Văn Quyến, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn

Toàn thành phố Bắc Kạn hiện có 57 cơ sở, trong đó 04 tổ chức, doanh nghiệp và hơn 50 hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản. Các đơn vị sản xuất các sản phẩm như: gỗ xẻ, ván bóc, băm dăm, viên nén, đũa gỗ, than hoa, đồ mộc thông thường, hạt cườm… phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và cung cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ngoài tỉnh. Ông Chu Kế Kiêm – Phó Giám đốc HTX Văn Quyến, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Hướng tới HTX sản xuất các thành phẩm như đệm ghế, xâu chuỗi rèm mành để xuất bán sẽ mang lại thu nhập cao hơn,…”

Đa số diện tích rừng trồng tại thành phố Bắc Kạn đã được giao cho các chủ hộ gia đình và cá nhân quản lý. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thu ổn định cho các sản phẩm gỗ buộc phải thực hiện liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp thu mua và chế biến lâm sản. Thông qua việc liên doanh, liên kết này các đơn vị sẽ đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, cam kết thu mua sản phẩm và hỗ trợ vật tư, giống phân bón cho người dân để thực hiện trồng rừng. Ngược lại, người dân phải cam kết bán cho doanh nghiệp sản phẩm làm ra khi sản phẩm đến chu kỳ khai thác; qua đó tạo ra được chuỗi giá trị cho sản phẩm là gỗ rừng trồng./.

                             Hoàng Thạc