Thành phố Bắc Kạn: Tăng cường các biện pháp phòng sâu bệnh hại lúa

Thời gian gần đây, do diễn biến thời tiết bất thường làm xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại lúa. Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về năng suất, sản lượng lương thực theo kế hoạch, thành phố Bắc Kạn đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ xuân.

Nông dân phường Huyền Tụng.TP Bắc Kạn phun thuốc trừ sâu bệnh hại lúa.

Theo kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2023, thành phố Bắc Kạn có kế hoạch gieo trồng hơn 360ha diện tích cây lương thực có hạt. Các giống lúa được gieo cấy chủ yếu là: Khang Dân 18, Hà Phát 3, Nhị Ưu 838, Ly 2099, LP 1601, Syn 98, Japonica J02…. Với sự chủ động tích cực của các ngành chức năng, địa phương và nhân dân, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn thành phố đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, độ ẩm không khí cao là diều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển. Qua kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, hiện nay cây lúa xuân đang giai đoạn đứng cái – làm đòng; Rầy nâu, rầy lưng trắng (bọ rầy) gây hại lúa với mật độ phổ biến 500 – 700con/m2, cục bộ 2000con/m2, diện tích nhiễm 35ha (Huyền Tụng, Dương Quang, Nông Thượng, Xuất Hóa…),

Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát ruộng đồng, nắm bắt tình hình phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại lúa; phối hợp với UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nhận biết và phòng trừ từng loại sâu bệnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc cho lúa theo đúng quy trình, kĩ thuật; tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện sớm các diện tích tập trung bị nhiễm bệnh với mật độ cao để phòng, trừ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất; thực hiện các biện pháp khống chế dịch, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Để bảo vệ lúa vụ xuân năm 2023, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố khuyến cáo bà con Nhân dân các biện pháp phòng trừ như sau:

Đối với Bọ rầy: Khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên tiến hành phun trừ. Đối với lúa giai đoạn trước trỗ bông, sử dụng thuốc nội hấp như: Sachray 200WP, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP,… khi phun thuốc hạ thấp vòi phun để trừ rầy tập trung dưới bẹ và gốc lúa. Đối với diện tích lúa ở giai đoạn trỗ trở đi, phun trừ rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC,…khi phun thuốc phải rẽ hàng thành băng để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy ở phần gốc lúa.Chú ý: Giữ nước trong ruộng từ 3-5 cm. Những ruộng có mật độ rầy cao phải phun kép 2-3 lần, cách nhau từ 5→7 ngày. Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của rầy. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng rầy bùng phát trở lại (tái nhiễm).

Đối với Bệnh đạo ôn lá: Khi lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một
trong các loại thuốc như: Fuan 40EC, Ketomium, TP – Zep 18 EC, Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC,…Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 – 7 ngày. Những diện tích bị bệnh đạo ôn lá gây hại, cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Đối với  Bệnh đạo ôn cổ bông: Tiến hành phun thuốc phòng bệnh với những ruộng lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá, đặc biệt những ruộng cấy giống nhiễm như J02, TBR225, PC6, BC15, nếp…Sử dụng thuốc đặc hiệu như: Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC, Fuan 40EC, Kabim 30WP, Lúa vàng 20WP, BanKan 600WP…phun kép 2 lần. Thời điểm phun khi lúa trỗ được 10% số bông trên ruộng và sau khi lúa trỗ thoát (phun vào buổi sáng khi trời khô sương hoặc chiều mát). Sau khi phun thuốc nếu gặp trời mưa cần phải phun lại. Ngoài ra chú ý phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, chuột hại,..

Hoàng Thạc