Qua 10 năm, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 03 năm 2008 của Bộ Chính trị, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về công tác phòng, chống ma túy được nâng cao; nhiều chủ trương, giải pháp được thực hiện đã phát huy hiệu quả, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy từng bước được kiềm chế. Trong 10 năm, lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, tập trung vào các địa bàn phức tạp. Kết quả đã phát hiện, thu giữ 369,327gram hêroin; 197,19 gram ma túy tổng hợp; 2,31gram cần sa và trên 392 triệu đồng tiền mặt; đã truy tố 252 vụ án với 269 đối tượng phạm tội về ma túy. Hiện nay, thành phố Bắc Kạn có 169 đối tượng có hồ sơ quản lý sau cai. Số người nghiện đang điều trị thay thế bằng Methadone tại các địa phương là 254 trường hợp. Công tác quản lý, sử dụng, cấp phát các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần được Trung tâm Y tế thành phố quản lý và sử dụng theo quy định.
Lực lượng phòng, chống ma túy của thành phố thường xuyên được bổ sung; các cấp ủy luôn tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; quan tâm đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Thành lập và kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo 138) thành phố. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ lực lượng chuyên trách làm tốt công tác phòng, chống ma túy; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về ma túy được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Các chương trình, mô hình tổ chức vận động, quản lý, giáo dục, cai nghiện; hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng được xây dựng, duy trì thực hiện. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tổ chức được hơn 1.294 hội nghị tuyên truyền với hơn 34.000 lượt cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên tham gia; căng treo 200 băng zôn, khẩu hiệu, phát hơn 10.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền tác hại của ma túy đối với con người và xã hội; hàng năm tổ chức diễu hành ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6); phát động phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh tổ quốc tại các thôn, tổ dân phố; tổ chức các buổi ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, các giờ học giáo dục công dân, đạo đức; các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề phòng, chống ma túy, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo cán bộ, học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cộng đồng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác phòng, chống ma túy.
Thành phố đã xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động tổ hòa giải, mô hình tự quản đảm bảo an ninh trật tự; triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình khu dân cư 3 không: “Không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy. Hàng năm triển khai đăng ký cam kết không mắc tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy đến từng khu dân cư, gia đình, cán bộ, đảng viên và người dân… duy trì các hòm thư tố giác tội phạm, qua đó đã thu được 3.637 phiếu tố giác phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong đó có tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống ma túy trong 10 năm qua cũng còn những hạn chế, khó khăn như: Tỷ lệ người nghiện ma túy chưa giảm, vẫn có người nghiện mới, số người tái nghiện sau cai nghiện còn cao. Công tác tuyên truyền mặc dù đã đổi mới cả về nội dung và hình thức song vẫn còn những bất cập, hạn chế như chưa tiếp cận được các đối tượng có nguy cơ cao bị lôi kéo vào tệ nạn và tội phạm ma túy; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành có lúc còn chưa chặt chẽ, việc xã hội hóa trong công tác cai nghiện còn hạn chế…