Thành phố phát triển và nâng cao hiệu quả của các Hợp tác xã

Thành phố Bắc Kạn hiện có 32 Hợp tác xã, (23 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 09 HTX phi nông nghiệp) với 300 thành viên tham gia, số lao động thường xuyên chủ yếu là thành viên của HTX.

Các HTX hoạt động với nhiều loại hình dịch vụ, mô hình mới đem lại hiệu quả thiết thực, phát triển đa dạng ngành nghề, ổn định việc làm cho bà con xã viên. Có các HTX nông nghiệp phát triển chuyên ngành như hợp tác xã nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu bước đầu đã tạo được kết quả về mặt năng suất, sản lượng, chuyển dịch cơ cấu, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; mô hình sản xuất chế biến rượu chuối, dấm rượu chuối, chuối sấy, tinh bột nghệ, măng khô, sản xuất tinh bột nghệ… đã tạo ra được một lượng sản phẩm ổn định để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; các loại hình hợp tác xã sản xuất dịch vụ trồng rau, trồng nghệ, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, …cũng đã thực hiện tốt, một số dịch vụ như tưới tiêu, cung cấp giống, các quy trình kỹ thuật, các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả do họ nhận thức được việc sản xuất hàng hóa lớn sẽ có đầu mối tiêu thụ nông sản, sản phẩm làm ra chất lượng đồng đều, giảm giá thành sản phẩm và đạt theo tiêu chuẩn yêu cầu. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, bình quân 1 tháng của lao động làm việc trong HTX là 3,5-6 triệu đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Mô hình trồng nấm của HTX Minh Anh

          Các HTX phi nông nghiệp, hoạt động tập trung chủ yếu ở một số ngành, nghề: Giáo dục, giao thông vận tải, may mặc, cơ khí, sản xuất gạch không nung, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vật phẩm, sửa chữa ô tô… Hoạt động dịch vụ hỗ trợ của các HTX cho thành viên như: Tổ chức các lớp dạy nghề, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng thị trường góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX. Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc sản xuất, kinh doanh của các HTX. Việc sản xuất hàng hóa không tiêu thụ được do việc vận chuyển khó khăn, trường hợp vận chuyển được hàng hóa thì chi phí rất cao; các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng bị ảnh hưởng, do giảm lượng khách du lịch ngoài tỉnh dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước; một số doanh nghiệp, HTX phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn,  hàng hóa bị tồn đọng nhiều, bị ép giá và không có kho bảo quản hàng hóa,…; các doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, thiếu lao động do phải cách ly…; bên cạnh đó, các sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc và các tỉnh lân cận vì vậy khi dịch Covid-19 xảy ra các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bị đình trệ và phải qua nhiều thủ tục kiểm dịch hơn so với trước, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch, thành phố đã chủ động thăm nắm tình hình hoạt động của các HTX, vận động các HTX chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục tìm kiếm thị trường đa dạng các sản phẩm, thay đổi phương thức marketing để sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho các thành viên. Mặt khác trực tiếp hướng dẫn các tổ chức kinh tế tiếp cận với nguồn vốn vay, các nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất, cụ thể đã hướng dẫn HTX Văn Quyến tiếp cận với nguồn vốn vay của Liên Minh HTX tỉnh Bắc Kạn với số tiền là 100.000.000đ; HTX Dương Quang tiếp cận với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện mô hình rau công nghệ cao; HTX nông nghiệp công nghệ cao Ba Bể tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ bao bì nhãn mác và đất đai để làm trụ sở; HTX nông nghiệp Tân Thành tiếp cận với mô hình chuỗi giá trị sản xuất tinh bột nghệ…. Ngoài ra, thành phố đã triển khai kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 12/5/2020 của UBND tỉnh, đến nay có 02 doanh nghiệp đã gửi danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động với tổng số là 42 lao động.

Để khuyến khích các HTX tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, thành phố tiếp tục củng cố đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nòng cốt là các hợp tác xã, đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế của các thành viên đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng kinh tế của thành phố; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cải thiện đời sống, vật chất tinh thần của các thành viên tại địa phương. Phát triển hợp tác xã nhanh và bền vững gắn với tiền năng thế mạnh của địa phương, từng vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo ra giá trị sản xuất hàng hóa đảm bảo phát triển bền vững./.

Tác giả:  Đặng Tuyết