Hiện nay, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, trung bình mỗi ngày có trên 300 ca F0, với các ca bệnh chủ yếu ở thể nhẹ không có triệu chứng. Trong số này có những trường hợp là F0 khi điều trị tại nhà nôn nóng muốn biết tình trạng bệnh của mình nên thường xuyên test nhanh, dựa vào kết quả Test để biết bệnh của mình tiến triển nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, việc làm này không cần thiết gây tâm lý hoang mang cho người mắc Covid-19. Có người dựa vào kết quả Test vạch đậm hay nhạt để đánh giá tình trạng bệnh của mình.
Người dân đến test Covid-19 tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn
Theo Bác sĩ Hà Thị Đượm- Phụ trách Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn: Vạch test mờ hay đậm không quan trọng, không có giá trị tiên lượng bệnh. Vì thế, mọi người không nên dựa vào đó để nói nếu vạch đậm nghĩa là bệnh còn nặng, vạch mờ là bệnh nhẹ. Ngoài ra, khi mắc Covid-19 không cần thiết phải Test thường xuyên. Điều quan trọng nhất của bệnh nhân mắc Covid-19 là theo dõi các triệu chứng để biết bệnh có nặng lên hay không để kịp thời báo cơ quan y tế kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời. Vào ngày thứ 7 hoặc ngày thứ 10 sau khi mắc Covid-19 phần lớn mọi người test nhanh ra vạch T mờ. Tuy nhiên, đối với người sức khoẻ yếu, hệ miễn dịch suy yếu thì thời gian dương tính sẽ kéo dài hơn. Các trường hợp đã hết triệu chứng nhưng test nhanh vẫn ra vạch T đậm cũng không phải quá lo lắng vì đây là giai đoạn cơ thể đang đào thải virus, phần lớn các virus này không còn nguy cơ lây bệnh dễ dàng như trong vài ngày đầu nữa.
Nói về thời điểm cần thực hiện Test nhanh Bác sĩ Hà Thị Đượm chia sẻ: Có 2 thời điểm người mắc Covid-19 cần thực hiện Test nhanh vừa mang lại hiệu quả, vừa tránh gây lãng phí que Test đó là: Thời điểm thứ nhất có triệu chứng, để xác nhận mình có bị nhiễm Covid hay không. Thứ hai là thời điểm bị nhiễm, ngày thứ 7 test nhanh nếu vẫn chưa âm tính thì đến ngày thứ 10 cũng không phải làm lại Test nhanh nữa, thời điểm đó đã kết thúc cách ly. Với mỗi người mắc Covid-19, triệu chứng cải thiện tùy thuộc vào sức đề kháng của từng người, từng thời điểm.
Bên cạnh đó, Bác sĩ Hà Thị Đượm khuyến cáo: người dân không nhất thiết cần phải tích trữ nhiều test trong nhà và không cần test thường xuyên. Đối với gia đình đông người, nếu quá nửa là F0 thì thời gian chuyển từ âm tính sang dương tính bằng kit test nhanh có thể tùy thuộc từng người, từng đối tượng khác nhau và quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn của y tế như 5K, giữ vệ sinh cẩn thận .
Do vậy, mỗi người dân cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và tùy theo từng trường hợp thực hiện test nhanh theo thời gian hướng dẫn của ngành Y tế để đảm bảo sức khỏe và không gây lãng phí không cần thiết.
Hoàng Thạc