Thôn Bản Bung có 91 hộ dân với 410 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Dao chiếm 90% số hộ dân trong thôn. Bản Bung là nơi sinh sống, là không gian sinh hoạt văn hóa của người Dao Tiền – một dân tộc có nét văn hóa đặc sắc, độc đáo và vẫn giữ được gần như nguyễn vẹn các giá trị truyền thống của dân tộc cho đến ngày nay.
Thôn Bản Bung, xã Dương Quang được thành lập từ năm 1966. Đây là thôn thuộc khu vực lòng hồ Nặm Cắt. Thôn có địa hình phức tạp, giáp ranh với xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, thôn Quan Nưa, Bản Giềng, Bản Pẻn thuộc xã Dương Quang. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thôn Bản Bung đã được xây dựng 01 nhà văn hóa với đầy đủ các thiết chế văn hóa, sân thể thao,.. Đây là nơi tổ chức sinh hoạt và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tổ chức các ngày lễ, hội họp, giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức truyền dạy, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc như: dệt thổ cẩm, các bài hát dân tộc.
Nhà văn hóa Bản Bung đảm bảo công tác sinh hoạt, hội họp
Để góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng nói chung thì việc bảo tồn bản sắc dân tộc thiểu số là một vấn đề cấp thiết, góp phần làm sinh động thêm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, phòng Văn hóa -Thông tin thành phố, Đảng ủy, HĐND -UBND xã Dương Quang đã hướng dẫn, triển khai, tổ chức kịp thời các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng thành lập các Câu lạc bộ văn nghệ, thể thao tại thôn, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần trong mọi tầng lớp nhân dân.
Theo ông Đặng Kính Dũng, Trưởng thôn Bản Bung, người có uy tín, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Với nét văn hóa đặc trưng riêng có của người Dao tiền, hiện nay trong thôn vẫn giữ gìn và thực hiện các nghi lễ, phong tục truyền thống trong không gian văn hóa của dân tộc Dao tiền, tiêu biểu như: Tiếng nói, chữ viết, lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới, hát Páo Dung, trang phục người Dao tiền…cùng với đó là sự duy trì, bảo tồn thường xuyên của các nghệ nhân trong thôn đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.”
Ông Đặng Kính Dũng Trưởng thôn, người có uy tín thôn Bản Dung, xã Dương Quang, TP.Bắc Kạn chia sẻ một số giải pháp bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc tại thôn Bản Bung, xã Dương Quang còn có những khó khăn như, do ảnh hưởng của Internet, mạng xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường, một số hình thức sinh hoạt, trò chơi dân gian truyền thống đang có nguy cơ bị mai một dần. Một số đặc trưng văn hóa không được kế tục và phát triển như: Hát Páo Dung, hệ thống chữ viết của người Dao tiền, chưa có các dự án cụ thể được triển khai tại thôn… nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ sở vật chất phục vụ việc bảo tồn, phát huy văn hóa tại thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân. Đời sống của người dân trong thôn còn khó khăn. Việc vận động, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế, sự quan tâm của người dân đến vấn đề này chưa cao, đặc biệt là những người trẻ.
Ông Đặng Kính Dũng với tư cách là người có uy tín, Trưởng thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn chia sẻ thêm: Về giải pháp trước mắt, địa phương cần thực hiện khảo sát, thống kê, phân loại các lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống, phong tục tập quán; nghiên cứu, sưu tầm những giá trị loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể để cần bảo tồn lưu giữ, khôi phục trên địa bàn thôn để có cơ sở thực hiện các hoạt động, dự án trong tương lai. Phát huy vai trò của người có uy tín tại cộng đồng, tăng cường tập hợp, gặp mặt những nghệ nhân, già làng ghi chép truyền đạt lại những giá trị văn hóa tiềm ẩn trong các nghệ nhân, già làng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm nhận thức về văn hóa dân gian đến người dân, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi. Vận động các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ tổ chức khôi phục lại các hoạt động văn hóa đã có trước đây và nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân. Cần phải thường xuyên tổ chức vui chơi, giao lưu các nhạc cụ dân tộc, múa hát dân gian, tạo môi trường tốt cho sinh hoạt văn hóa dân gian. Biểu dương kịp thời các nghệ nhân, quan tâm lưu giữ được truyền thống văn hóa dân tộc, có tâm huyết, những tài năng trẻ cần phải động viên quan tâm kịp thời.
Về giải pháp lâu dài, cần nâng cao đời sống kinh tế trong cộng đồng dân tộc tại thôn bằng chương trình xây dựng Nông thôn mới, những chính sách ưu đãi,truyền đạt áp dụng khoa học- kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi sản xuất làm tăng hiệu quả lao động. Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghi lễ truyền thống, đi đôi xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm quy tụ nhân tài trẻ về đam mê lĩnh vực văn hóa truyền thống. Thực hiện, phát triển mô hình “du lịch cộng đồng” tại thôn. Kết hợp du lịch hồ Nặm Cắt với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Dao tiền tại thôn Bản Bung, tạo điểm nhấn, dấu ấn riêng biệt cho du lịch thành phố Bắc Kạn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. /.
Triệu Biển