Hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW tại thành phố Bắc Kạn  

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Địa phương phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Trọng Hiền, trú tại tổ 11B, phường Sông Cầu  đúng thời điểm hơn 1.000 trái dưa ruột vàng trồng trong nhà lưới đang đến độ thu hoạch. Đây là một trong số những hộ dân trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn. Anh Hiền phấn khởi chia sẻ:“Thông qua Hội Nông dân phường Sông Cầu (TP.Bắc Kạn), gia đình được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn. Năm 2019, có vốn trong tay và số tiền tích lũy của gia đình mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng, thiết kế nhà lưới trên toàn bộ diện tích 500m2 đất vườn. Với ưu thế vượt trội của hệ thống nhà lưới là ngăn ngừa hiệu quả các loại thiên địch gây hại, gia đình chủ động canh tác các loại dưa cho năng suất cao, sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, an toàn,chủ yếu phun các loại chế phẩm sinh học như dịch mật, dịch chuối. Đồng thời hệ thống nước tưới thiết kế nhỏ giọt tự động luôn đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm, cây trồng phát triển tốt. Mỗi năm trồng được 2 vụ dưa. Đất khi tiến hành pha trộn đủ chất dinh dưỡng, được đánh luống cao khoảng 20cm. Mỗi luống dưa có chiều dài 18m, trồng khoảng 80 cây, mỗi cây chỉ để 01 quả. Sau 70 ngày chăm sóc, quả đủ vị ngọt sẽ tiến hành cắt nước toàn bộ vườn dưa, trước vài ngày thu hoạch. Vụ dưa lưới này, cả vườn chỉ có 10 quả đạt trọng lượng 03kg/quả, còn lại số lượng quả đạt từ 1,4kg -2,5kg/quả. Giá bán lẻ tại nhà quả loại 1 là 45.000đ /kg; loại 2 là 30.000đ /kg, hiệu quả kinh tế đạt 60 triệu đồng/01vụ. Anh Hiền dự định, sau khi thu hoạch dưa sẽ xử lý toàn bộ đất sạch sẽ, để trồng cây dâu tây trong tháng 10/2021.

Cán bộ Ngân hàng CHXH tỉnh và Hội Nông dân phường Sông Cầu đến thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Trọng Hiền, tổ 11B.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong lãnh đạo, Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Kạn đã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Chính phủ “về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Chính trị – xã hội”. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, tổ chức Chính trị – xã hội tích cực triển khai thực hiện. Thành ủy Bắc Kạn đã ban hành Công văn số 833-CV/TU ngày 05/2/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và chỉ đạo UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 09/3/2015 kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014. Chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang để NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn phối hợp các tổ chức Chính trị xã hội thực hiện giải ngân vốn vay tại phường Xuất Hóa tháng 5/2021.

Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác cho vay của NHCSXH thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác. Bốn tổ chức CT-XH Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên CSHCM thành phố không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác đã thành lập được nhiều Tổ TK&VV hoạt động rất hiệu quả. Từ đó chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức này ngày càng được nâng lên, công tác giảm nghèo bền vững ở hội viên, đoàn viên đạt hiệu quả cao. Đối với cấp ủy, chính quyền các xã, phường đã cụ thể hóa Kế hoạch của UBND thành phố phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó việc triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại thành phố Bắc Kạn thuận lợi, hiệu quả. Nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tại địa phương, cấp ủy, chính quyền các xã, phường đã quan tâm, bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và các trang thiết bị, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ hoạt động giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại 08/08 điểm giao dịch cố định tại UBND các xã, phường. Qua đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân địa phương.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân tổng nguồn vốn 122.563 triệu đồng, tăng  5.056 triệu đồng (+ 4,30 %) so với từ khi có Chỉ thị. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 105.661 triệu đồng; nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân 15.702 triệu đồng; nguồn vốn huy động thông qua Tổ TK&VV 6.884 triệu đồng nguồn vốn ngân sách địa phương 3.824 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố Bắc Kạn 1.200 triệu đồng. Doanh số cho vay giai đoạn 2014-2019: 166.500 triệu đồng. Doanh số thu nợ giai đoạn 2014-2019 là 166.200 triệu đồng. Số khách hàng còn dư nợ: 3.408 khách hàng, dư nợ bình quân đạt 34,48 triệu đồng/khách hàng. Số lượt khách hàng vay vốn giai đoạn 2014-2019 đạt 5.640 khách hàng. Tổng dư nợ 10 chương trình đạt 117.517 tỷ đồng, tăng 1.411 triệu đồng (+1,22%) so với từ khi có Chỉ thị với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1%/năm.

Giai đoạn 2015-30/6/2021, tại thành phố Bắc Kạn tổng doanh số cho vay là 254.910 triệu đồng với 6.954 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đến 30/6/2021 là 152.692 triệu đồng, tăng 43.586 triệu đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng 37,54%, bình quân mỗi năm tăng trưởng 6.226 triệu đồng. Nợ quá hạn được đảm bảo tỷ lệ 0,3%. Thông qua nguồn vốn vay, giúp trên 468 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 2.461 lao động tạo được việc làm, trong đó có 19 lao  động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 248 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; đầu tư xây dựng 1.840 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được hưởng lợi, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề  nông nghiệp, nông thôn thực sự khởi sắc, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn.

Ông Hoàng Đình Nhuận – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Cùng với việc tăng trưởng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, các hoạt động khác luôn được Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn quan tâm, chú trọng như: Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ; động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Để chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 40, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CT-XH các cấp trên địa bàn thành phố Bắc Kạn,  tiếp tục tổ chức quán triệt tốt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH  phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; làm tốt công tác giám sát các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay, thực hiện chính sách cho vay và thu hồi vốn; tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức CT-XH nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh điển hình và sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, làm tốt công tác tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong tăng trưởng tín dụng, NHCSXH cần đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Triệu Biển