Nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình trồng và thâm canh chè Shan theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”

Dự án “Xây dựng mô hình trồng và thâm canh chè Shan theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Kạn chủ trì thực hiện; kỹ sư Nguyễn Kim Dương làm chủ nhiệm Dự án; thời gian thực hiện từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2011 tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn.

  Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành nghiệm thu Dự án

Dự án có mục tiêu chung: Xây dựng vùng chè Shan tại xã Bằng Phúc bằng những giống, dòng chè Shan chọn lọc để tạo vùng chè có năng suất cao, chất lượng tốt, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế cho vùng Dự án. Về mục tiêu cụ thể: Xây dựng được 10ha mô hình trồng chè Shan theo hình thức tập trung tại xã Bằng Phúc, chuyện Chợ Đồn; đào tạo tập huấn được 220 lượt người nắm được quy trình trồng, chăm sóc cây chè Shan theo hình thức tập trung; xây dựng vườn ươm giâm 5.000 bầu giống chè Shan; tạo ra giống chè có chất lượng tốt để phục vụ cho việc mở rộng và thay thế các nương chè cũ kém hiệu quả tại vùng.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra. Dự án đã xây dựng được mô hình trồng và thâm canh chè Shan tập trung tại khu Khuổi Én (xã Bằng Phúc) có diện tích 10ha với sự tham gia của 20 hộ dân thôn Nà Hồng; giống chè thực hiện mô hình là chè Shan núi cao được nhân bằng biện pháp giâm cành và lấy từ 18 cây chè đầu dòng đã được cơ quan thẩm quyền công nhận; cán bộ kỹ thuật địa phương cùng 220 lượt nông dân trong xã Bằng Phúc được tâp huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hoàn thiện được 6 quy trình kỹ thuật (thiết kế vườn ươm, chăm sóc cây mẹ lấy hom giống, nhân giống và tiêu chuẩn cây giống xuất vườn, mô hình trồng và đào rạch, trồng và chăm sóc chè Shan, chăm sóc cây chè và cây che bóng cải tạo đất) phù hợp với điều kiện địa phương vùng Dự án; xây dựng thành công vườn ươm giâm cành chè với số lượng được nghiệm thu 5.000 bầu, 20 hộ dân trực tiếp tham gia làm vườn ươm đã có thể tự nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành. Dự án đã nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất, thâm canh chè cho người dân địa phương, xóa dần tập tục trồng chè quảng canh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là cơ sở để phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời góp phần tăng độ che phủ, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế sâu bệnh hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí đánh giá cao hiệu quả kinh tế – xã hội, giá trị thực tiễn của Dự án; bên cạnh đó, đề nghị nhóm tác giả hoàn thiện báo cáo tổng kết, bổ sung số liệu về lượng giống cấp cho các hộ tham gia Dự án, hiệu quả kinh tế Dự án và bổ sung các quy trình kỹ thuật trong báo cáo.       

Dự án đã được nhất trí nghiệm thu, đánh kết quả xếp loại khá./.