Người dân thành phố Bắc Kạn tích cực chuyển đổi số

(backancity.gov.vn) – Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Người dân đang từng bước chuyển đổi thói quen cách làm từ thủ công sang số hóa trong cuộc sống hằng ngày.

Chị Vũ Thị Việt Anh, tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn thường xuyên thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng khi giao dịch, đi chợ. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với chị là rất thuận lợi, hạn chế xảy ra thanh toán nhầm, sơ suất đánh rơi tiền. Chị Việt Anh chia sẻ: “Từ lúc chuyển đổi số, mình thấy là đi đâu có chiếc điện thoại thì rất là tiện, mua hàng chuyển khoản rất dễ dàng, rồi đi đâu xuất trình giấy tờ, mua vé xe, rồi cần đến giấy tờ thì mình thấy rất là tiện lợi. Việc trả tiền cũng không bị nhầm lẫn, nói chung không phải dùng tiền mặt là tiện hơn rất nhiều”.

Các tiểu thương là những người cảm nhận rõ nhất việc chuyển đổi số đã đem lại tiện lợi trong quá trình giao dịch thanh toán với khách hàng. Chị Ma Thị Kim Khánh, tiểu thương Chợ Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn nói: “Ngày xưa thì rất bất tiện trong vấn đề thanh toán thủ tục hàng hóa, với cả tiền trả thanh toán bằng tiền mặt. Nhưng từ ngày có chuyển đổi số thì với người bán hàng, khi thanh toán với các công ty ở đầu dưới kia thì nhanh hơn và hàng hóa được luân chuyển nhanh hơn, chỉ cần giao dịch trong một phút thì hàng hóa đã được gửi đi”.

Mô hình Chợ 4.0 góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Khi người dân thành phố từng bước tiếp cận chuyển đổi số qua các hoạt động hằng ngày, sẽ nhanh chóng thay đổi thói quen nhận thức khi thực hiện các giao dịch hành chính nhất là với các thủ tục đơn giản trong 25 thủ tục hành chính, dịch vụ công thiết yếu đã được cung cấp trên môi trường điện tử như: Đăng ký tạm trú, khai sinh, khai tử…

Hiện nay đang trong giai đoạn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở phục vụ chính quyền điện tử, tích hợp chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị. Từng bước xây dựng phát triển các nền tảng chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, người dân thấy được lợi ích và chủ động tham gia chuyển đổi số./.

Hoàng Thạc