Phát huy truyền thống của Phụ nữ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, những nữ doanh nhân tiêu biểu đã phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố Bắc Kạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp khi mang đến những sản phẩm có chất lượng cao vươn ra thị trường.
Mô hình sản xuất tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp Tân Thành do chị Nguyễn Thị Hồng Minh làm chủ
Nắm bắt được nhu cầu thị trường luôn chuộng các sản phẩm xanh – sạch có nguồn gốc từ thiên nhiên, đặc biệt là củ nghệ – một sản phẩm có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe và làm đẹp, chị Nguyễn Thị Hồng Minh đã mày mò, tìm hiểu các mô hình sản xuất tinh bột nghệ trong và ngoài tỉnh để sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ. Được sự hỗ trợ của tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương, năm 2017 chị Minh mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng), đầu tư nhà xưởng, dây chuyền khép kín, công nghệ hiện đại sản xuất tinh bột nghệ. Không ngừng những nỗ lực và sáng tạo, chị Minh cùng các thành viên đã nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm tốt cho sức khỏe và lần lượt đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh như: Tinh bột nghệ nếp đỏ, tinh bột nghệ nếp đen, viên tinh nghệ. Hiện nay, ngoài nguồn nguyên liệu sản xuất của 10 thành viên rộng khoảng 50ha, HTX còn mở rộng liên kết, hợp đồng thu mua củ nghệ của hơn 367 hộ dân các huyện Na Rì, Pác Nặm. Qua đó tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng với liên kết sản xuất, với sự năng động, nhạy bén của mình, các sản phẩm của HTX không chỉ được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh, mà chị còn liên kết với một công ty xuất nhập khẩu xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2022, HTX xuất khẩu trên 700 tấn sản phẩm ra nước ngoài, đưa doanh thu HTX đạt trên 15 tỷ đồng, thu nhập các thành viên đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Chị Minh cho biết: “Với một người phụ nữ, để vừa làm tốt công việc gia đình, vừa điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả, bản thân phải thật sự năng động, quyết tâm, không bỏ cuộc trước những thất bại. May mắn của tôi là được chính quyền các cấp hỗ trợ và có các thành viên đồng hành, giúp đỡ”.
Tại phường Xuất Hóa, chị Nông Thị Biệt phát triển mô hình trồng nấm bán tại địa phương cho hiệu quả kinh tế cao. Quá trình sản xuất, nhận thấy tiềm năng của mô hình này, chị vận động các hộ dân trồng nhỏ lẻ tại phường thành lập HTX Minh Anh sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn, với sản phẩm chủ lực là linh chi, vân chi, nấm sò, nấm rơm… Năm 2022, HTX cung cấp ra thị trường trên 10 tấn nấm các loại, xuất bán đi các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội… tổng doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng. Từ 7 thành viên ban đầu, HTX đã phát triển 15 thành viên và hằng năm liên kết sản xuất nấm với hơn 30 hộ dân trên địa bàn thành phố. Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, chị Biệt cho biết: Trồng nấm không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên để duy trì hiệu quả mô hình, đưa HTX phát triển bền vững, với vai trò điều hành, ngoài việc lập kế hoạch phát triển và áp dụng các giải pháp phù hợp trong sản xuất, tôi thường xuyên tìm hiểu những biến động về thị trường, quảng bá và tìm các đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm để sản xuất ổn đinh, tạo việc làm cho thành viên và người dân.
Chị Nông Thị Biệt giới thiệu mô hình sản xuất nấm của HTX Minh Anh
Trên địa bàn TP. Bắc Kạn hiện có 49 HTX, trong đó có nhiều HTX do phụ nữ làm chủ, như: HTX Thanh Tâm với các sản phẩm từ cây quế; HTX Slampe sản xuất các sản phẩm triết suất từ bí xanh, mướp đắng rừng Ba Bể; HTX Lan Nhi trồng hoa, cây cảnh… Những mô hình HTX thành công khẳng định sự năng động, sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế HTX. Với những nỗ lực vượt khó vươn lên của các doanh nhân nữ cũng như trên cương vị vừa là người lãnh đạo doanh nghiệp vừa là người vợ, người mẹ trong gia đình. Ở vị trí nào, bằng tài năng, sự cần cù, sáng tạo, các chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhiều chị đã được nhận nhiều giải thưởng và các danh hiệu danh giá.
Hoàng Thạc