Nông dân thành phố thay đổi tư duy sản xuất qua mô hình liên kết

(backancity.gov.vn)- Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất Nông – Lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc kạn đã thực hiện nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Minh Khang, tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn chăm sóc cây nghệ nếp

Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc kạn đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo về các mô hình nông dân tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp, từ đó đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất cây trồng, vật nuôi. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã kết nối với một số Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết chuỗi giá trị đối với một số cây trồng  chủ lực như: Mơ vàng, gừng, nghệ nếp, dưa chuột… góp phần mở rộng vùng nguyên liệu, phục vụ chế biến cho một số HTX nông nghiệp, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân thành phố.

Gia đình bà Hoàng Thị Hỷ, thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) tham gia mô hình trồng dưa chuột Nhật Bản với diện tích gần 1ha. Trước đây, diện tích đất này bà để cấy lúa hoặc trồng màu, có những vụ không canh tác. Tham gia mô hình, bà Hỷ cùng 15 hộ dân khác đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Bà Hỷ chia sẻ: Giống dưa chuột Nhật Bản được năng suất cao hơn dưa ta của mình. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn làm đất, cách chăm sóc và lấy những thiết bị cần thiết để chăm sóc cây dưa như nilon che phủ, lưới. Đây là hướng đi giải quyết việc làm cho gia đình chúng tôi.”

Khi nói về hiệu quả mô hình liên kết sản xuất đem lại cho người dân bà Triệu Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất dưa chuột Nhật Bản, bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao như kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Khi bà con áp dụng vào thì thấy hiệu quả cao hơn những năm trước. Tôi thấy mô hình liên kết này duy trì, phát triển được kinh tế của địa phương phát triển hơn rất nhiều”.

Thực hiện các mô hình liên kết trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai và kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất rau màu của người dân địa phương, đáp ứng yêu cầu nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp địa phương, HTX chế biến nông sản, góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho người dân. Tham gia mô hình trồng nghệ nếp, ông Nguyễn Minh Khang, tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng, Thành phố Bắc Kạn cho biết: “Mỗi hộ tham gia các mô hình liên kết sản xuất đều có những hợp đồng ký kết, trước tiên bà con tham gia trồng cây, sau này đơn vị sẽ đến bao tiêu, giá cả thì phụ thuộc theo thời điểm đó thôi.”

Thông qua các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện trên địa bàn thành phố, giúp định hướng người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích sản xuất lúa, ngô kém hiệu quả để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững./.

Hoàng Thạc