Phòng cháy, chữa cháy trong bảo quản và sử dụng khi đốt hóa lỏng LPG (gas)

Khí đốt hóa lỏng (LPG) hay còn gọi là Gas – là một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng trong sản xuất công nghiệp và sinh hoạt phục vụ đời sống con người. Là dạng nhiên liệu sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, tiện lợi trong bảo quản và sử dụng. Hiện nay, ở nước ta nhu cầu tiêu thụ gas ngày càng gia tăng. Để góp phần làm giảm số vụ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra khi sử dụng gas, trước tiên, chúng ta cần biết rõ đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của gas:

Nguồn ảnh sưu tầm

  1. Những nguy cơ gây cháy, nổ do gas:

– Nơi bảo quản, sử dụng gas được bố trí liền kề với nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

– Không thường xuyên thực hiện chế độ vệ sinh hệ thống, gas thoát ra tích tụ lâu ngày thành hỗn hợp nguy hiểm cháy, nổ.

– Bếp đun, dây dẫn, van xả khí, bình gas không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.

– Các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van xả khí không kín, dây dẫn gas bị chuột cắn, gas thoát ra ngoài tạo thành hỗn hợp cháy, nổ gặp nguồn nhiệt sẽ bắt cháy, nổ.

– Đun nấu không trông coi để tắt lửa ở bếp trong khi van xả khí vẫn mở.

– Đang đun nấu thay bình gas mà không tắt lửa ở bếp.

– Không thường xuyên vệ sinh bếp.

– Đặt bếp gần vật cháy, lửa từ bếp bén cháy gây ra cháy lan, nổ bình.

– Đun nóng dầu ăn, mỡ để xào, rán bùng cháy gây cháy lan.

– Để các vật cháy sát với bếp hoặc đặt chồng lên kiềng bếp vừa đun nấu xong.

– Sử dụng bình gas được san nạp lại trái phép không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC.

  1. Biện pháp phòng cháy, nổ trong bảo quản và sử dụng gas trong sinh hoạt.

– Tự tìm hiểu học tập để nắm vững kiến thức PCCC, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của gas và các biện pháp đề phòng;

– Niêm yết quy trình sử dụng bếp gas và thực hiện đúng quy trình; nắm vững và thực hiện đúng quy trình xử lý gas bị rò rỉ; quy trình xử lý sự cố cháy, nổ gas;

– Trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết như chăn chiên hoặc bao tải, bình chữa cháy xách tay…

– Bố trí nơi đun nấu:

+ Có phòng bếp riêng được ngăn cách bằng vật liệu không cháy với các phòng khác. Phòng bếp có cửa đi, cửa sổ và cửa thông gió;

+ Khoang đặt bình gas được ngăn cách với vị trí đặt bếp bằng vật liệu không cháy;

+ Bình gas được đặt trên nền nhà bằng phẳng vững chắc, có tường ngăn cách chống va đập làm đổ, xê dịch bình, hỏng hoặc tuột van xả khí;

+ Mỗi bếp đun chỉ bố trí 1 bình loại 12 hoặc 13 kg gas; không để bình dữ trữ hoặc vỏ bình trong bếp đun.

– Trang bị, lắp đặt bếp:

+ Trang bị bếp đun đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn PCCC; van xả khi phải tự động đóng trường hợp lửa ở bếp bị tắt, công tắc bếp vẫn mở; dây dẫn gas chắc chắn, đảm bảo kín;

+ Các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van xả và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas;

+ Dây dẫn gas được lắp đặt ở vị trí tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, có lớp bảo vệ để chống chuột cắn.

– Trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết như chăn chiên hoặc bao tải, bình chữa cháy xách tay…

– Xử lý khi xảy cháy trong sử dụng gas

– Khi xảy ra cháy gas hoặc chảo dầu mỡ cháy khi đun nấu, ngay lập tức phải báo động cho mọi người biết, đồng thời báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số 114.

– Nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu, hiệu quả nhất là sử dụng bình chữa cháy xách tay phun vào đám cháy, phun trực tiếp vào khu vực gốc lửa là khu vực cổ bình gas, sau khi dập tắt đám cháy cần vặn van khóa cổ bình gas.

– Trường hợp cháy chảo dầu, mỡ khi đun nấu tuyệt đối không được sử dụng nước để chữa cháy chảo dầu mỡ, nó sẽ gây bùng cháy lớn và nguy hiểm đến tính mạng và cháy lan ra toàn bộ căn phòng.

– Nếu khí gas rò rỉ qua van bình gas bị bắt cháy phải lập tức đóng van khóa cổ bình gas, nếu có thể thì di chuyển các bình gas ra nơi an toàn.

– Thực hiện các bước đã quy định trong phương án chữa cháy.

– Khi lực lượng chữa cháy đến phải thông báo chính xác nơi có cháy, vị trí tồn chứa các bình và các vật liệu khác.

Minh Cường