Phường Huyền Tụng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Huyền Tụng là một xã thuần nông trở thành phường từ năm 2015 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 80% cơ cấu kinh tế. Trong những năm gần đây, nhận thấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất là hướng đi đúng đắn tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, Đảng bộ phường đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng đi mới này.

Đảng ủy phường đã đưa nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nghị quyết hàng năm. Chỉ đạo HĐND, UBND cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện trong nghị quyết của HĐND phường và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của UBND, đồng thời chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, Đảng ủy phường phân công các đồng chí Đảng ủy viên hàng tháng tham dự sinh hoạt cùng các chi bộ trực thuộc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là phát triển kinh tế.

Từ một địa phương sản xuất nông nghiệp truyền thống còn nhiều khó khăn như hệ thống thủy lợi xuống cấp, sản xuất mùa vụ kém hiệu quả, chăn nuôi, thủy sản chậm phát triển; Đảng ủy, chính quyền phường đã huy động mọi nguồn lực mạnh dạn triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đề xuất với thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống các phai, đập, kênh mương nội đồng… Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho Nhân dân áp dụng vào sản xuất, vận động Nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật  nuôi có giá trị kinh tế cao như: Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, làm ao nuôi cá, trồng rau màu cung cấp cho thị trường. Từ đó đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, cho thu nhập bình quân đạt từ 200-300 triệu đồng/ ha.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, Đảng ủy phường đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn; đầu tư xây dựng nhà lưới, kỹ thuật vòm che; hệ thống tưới tiêu tự động để sản xuất rau; ứng dụng cơ giới hóa, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học; chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường và liên kết lại trong tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, các hộ gia đình tại địa phương trồng rau chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Đến nay, người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất rau an toàn tự nhiên ngoài đồng ruộng và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau an toàn và rau trái vụ. Sau khi thực hiện các mô hình, dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế được mở rộng, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch tích cực, người nông dân đã dần chuyển từ tư duy sản xuất tự cấp tự túc sang tư duy sản suất hàng hóa, qua đó đã tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng mức thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Hiện nay, phường đã có 01 hợp tác xã chuyên về sản xuất rau an toàn và được Sở khoa học công nghệ tỉnh Bắc Kạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật với quy mô 1,2 ha tại tổ Tổng Nẻng và tổ Phiêng My; có nhiều mô hình hộ gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế đem lại hiệu quả như: mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang làm ao nuôi cá rô phi đơn tính và cá chép cho thu nhập từ 205-300 triệu đồng/ ha của hộ gia đình ông Hoàng Mã Thượng, Hoàng Mã Tấn tổ Khuổi Hẻo, hộ ông Hà Văn Luận tổ Tổng Nẻng; chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh kết hợp với nuôi cá, nuôi Ba Ba cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Thường tổ Khuổi Mật; mô hình trồng rau trên đất lúa tại tổ Tổng Nẻng với diện tích chuyển đổi 0,9 ha cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ ha; mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của ông Lưu Bá Quyền (tổ Phiêng My), ông Nguyễn Duy Hiệt (tổ Tổng Nẻng) với tổng diện tích 1.800m2 tạo ra thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; mô hình ứng dụng kỹ thuật vòm che thấp của các hộ dân tại tổ Tổng Nẻng đều cho thu nhập trị giá trên 200 triệu đồng/ha trở lên.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại địa phương, trong thời gian tới Đảng ủy phường Huyền Tụng tăng cường thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ đến các tổ chức và cá nhân để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng việc tổng kết và nhân rộng các điển hình kinh tế hợp tác xã, các mô hình kinh tế hiệu quả cao trên cơ sở đó khuyến khích mọi thành phần, mọi lực lượng xã hội tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất tại địa phương. Chú trọng mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Đặng Tuyết- Minh Cường