Tết cổ truyền của người Dao Bản Bung

Có nhiều vùng dân tộc, phiên chợ Tết được coi là sự báo hiệu, sự khởi đầu của Tết đến xuân về. Người Dao tiền ở thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cũng vậy. Đến phiên chợ Tết 25/12 âm lịch, mọi người ai cũng mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất, họ đến chợ dường như không chỉ để trao đổi, mua sắm hàng Tết mà còn để giao du, hẹn hò, gặp gỡ mọi người nhất là các chàng trai, cô gái. 

Cũng như ở nhiều nơi khác, ở Bản Bung từ sáng 28 tháng chạp, cả bản như bừng dậy, sôi động và náo nhiệt hơn bởi những tiếng lợn kêu khi các gia đình trong bản mổ lợn chuẩn bị cho ngày Tết. Thông thường mỗi gia đình mổ một con lợn, nhiều khi lại vài hộ gia đình chung nhau thịt một con để tiết kiệm. Đến ngày 30 tết, cả bản ai cũng như bận rộn hẳn lên, các mẹ, các chị, các em lại tất bật chuẩn bị các loại lá để gói bánh. Đêm 30 cả nhà quây quần bên nồi bánh chờ đợi đón giáo thừa. Trong khoảng khắc thiêng liêng của trời đất giao hòa thì cũng là lúc các gia đình thắp hương khấn gọi linh hồn của những người đã khuất về xum họp với gia đình. Khi đó, người chủ nhà thường báo các trước gia đình về một năm sản xuất và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới được hạnh phúc, vui vẻ, khỏe mạnh, làm ăn tiến tới, mùa màng bội thu.

  Người Dao nói chung và người Dao Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn nói riêng có tục lệ kiêng không cho người lạ vào nhà ngày mùng một Tết. Bởi đồng bào Dao không có tục lệ “xông nhà” như một số dân tộc khác. Họ quan niệm rằng ngày này là ngày quyết định sự may rủi cho gia đình trong năm mới nên phải kêng. Vào ngày mùng 01 Tết Nguyên đán, ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu, mọi người trong gia đình đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị lễ cúng tổ tiên. Đến ngày mùng 02 Tết, người dân trong bản mới bắt đầu đi chơi, thăm hỏi chúc Tết nhau. Trong đó, các gia đình sẽ ưu tiên chúc tết ông, bà, bố mẹ, tiếp đến là anh em, họ hàng dòng họ…Có một điểm khác biệt, lý thú mà người Dao tiền Bản Bung vẫn truyền lại cho con cháu bao đời nay bảo tồn, gìn giữ đó là “ngày mùng 2 Tết” được coi là ngày cúng tổ tiên họ hàng bên ngoại. Nếu như bố hoặc mẹ vợ đã qua đời thì người con rể phải dậy từ rất sớm (khoảng 04 giờ sáng), bắt một con gà trống từ trong chuồng để thịt, bày mâm cỗ đặt phía trong cửa chính hướng ra ngoài để cúng người đã khuất núi.

Đến ngày mùng 3 Tết, mọi người ai cũng dậy thật sớm chuẩn bị nước sôi, lựa chọn những con gà ngon nhất để làm cơm, thắp hương và dâng lễ để tiễn đưa tổ tiên trở về cõi âm. Người Dao tiền gọi đó là lễ “ thúi sinh trà” (hạ bàn). Khi dâng lễ xong cả nhà mới được dùng cơm. Người Dao tiền Bản Bung thường ăn Tết từ ngày 28 tháp Chạp đến hết tháng Giêng hàng năm. Có một điều lạ là họ không có tục lệ ăn rằm tháng Giêng như một số dân tộc khác.

 Cũng trong ngày này, cả bản tụ họp làm lễ cúng thổ công để cầu mong những điều tốt đẹp và may mắn. Các gia đình trong bản đều phải mang mâm lễ của gia đình đến cúng ở miếu thổ công của bản. Việc cúng thổ công do một người cao tuổi có uy tín thực hiện. Khi làm lễ xong cúng xong, mọi người phải ăn hết lễ, vật mới được về, sau đó mới được phép đi chơi tết.

Vào những ngày này tết, các cụ già thì hội họp, đàm đạo với nhau, trẻ em vui chơi, đùa nghịch, còn nam nữ thanh niên gặp gỡ, thăm hỏi, hò hẹn với nhau. Đối với các chị em phụ nữ  thường tập trung nhau thành từng nhóm từ năm đến bảy người dạy cho con cháu thêu thùa những bộ trang phục truyền thống như: áo, khăn, sà cạp. Riêng chiếc váy được dành đến tháng 07 mới đem ra nhuộm và thêu thùa bởi lúc này mới có sáp ong để in váy. Điều đó lý giải tại sao người dao tiền Bản Bung luôn tạo ra được những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, tinh sảo nhất.

 Có thể nói, mùa xuân là mùa tìm bạn, mùa của tình yêu, hạnh phúc và chứa đựng những hy vọng tràn đầy của bà con Bản Bung. Với những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng của đồng bào nơi đây góp phần tô điểm thêm những gam màu cuộc sống độc đáo trong bức tranh cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.