Thành phố Bắc Kạn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để giảm nghèo bền vững

Xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, góp phần hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Trước đây, nhiều hộ dân phường Xuất Hóa đã biết trồng một số loại nấm bán ra thị trường, nhưng chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Với mục tiêu khai thác nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, thành phố Bắc Kạn đã hỗ trợ phường thành lập HTX Minh Anh, chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Từ khi thành lập, HTX được hỗ trợ 430 triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, tập huấn kỹ thuật… Gần đây nhất, HTX được hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu với kinh phí hơn 338 triệu đồng. Từ 8 thành viên ban đầu, sau nhiều năm hoạt động, HTX đã có bước phát triển nhanh chóng, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 15 thành viên và 30 hộ liên kết trên địa bàn thành phố. Chị Nông Thị Thương, thành viên HTX cho biết: Trước đây, khi chưa tham gia HTX, tôi làm ruộng, thu nhập bấp bênh, nên gia đình nhiều năm là hộ nghèo. Sau 3 năm tham gia HTX, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được nhà ở kiên cố. Nhờ công việc trồng nấm, hiện tôi có mức thu nhập ổn định, từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ HTX Minh Anh, thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Trên địa bàn TP. Bắc Kạn hiện có 49 HTX và 5 Tổ hợp tác đang hoạt động.

HTX nông nghiệp Tân Thành được hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ củ nghệ mỗi năm duy trì liên kết vùng trồng nguyên liệu với hơn 300 hộ dân trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2021- 2022, TP. Bắc Kạn hỗ trợ HTX nông nghiệp Tân Thành hơn 900 triệu đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nghệ nếp với hơn 300 hộ dân tham gia; hỗ trợ HTX Dương Quang và Tổ hợp tác sản xuất mơ vàng hơn 32 triệu đồng lấy mẫu cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và VietGAP; hỗ trợ 500 triệu đồng cho Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn xây dựng, mua sắm trang thiết bị, điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ HTX Hùng Tuyết hơn 877 triệu đồng thực hiện chuỗi liên kết nuôi lợn thịt với hơn 30 hộ dân tham gia.

Qua đánh giá, các HTX được hỗ trợ đã thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất vùng nguyên liệu với hộ dân, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm, qua đó, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và hộ liên kết. Cùng với đó, các HTX, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn với đa dạng các sản phẩm hàng hóa cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo. Doanh thu các HTX đạt từ 01 tỷ đồng – 17 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển kinh tế tập thể đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố xuống còn 2,33%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm như hiện nay.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thời gian tới, TP. Bắc Kạn sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người đứng đầu HTX, như: Hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…;tăng cường hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho các thành viên, người lao động; tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động./.

Hoàng Thạc