Các hoạt động giám sát được tổ chức thường xuyên tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND. Tại các kỳ họp, HĐND thị xã tiến hành giám sát trực tiếp thông qua việc xem xét các báo cáo, hồ sơ trình kỳ họp và tiến hành phiên chất vấn – trả lời chất vấn. Các Ban HĐND tiến hành thẩm tra đảm bảo dân chủ, thận trọng, bao quát các hồ sơ trình kỳ họp, làm tài liệu tin cậy để định hướng cho đại biểu thảo luận và quyết định sát với tình hình cụ thể ở địa phương. Chủ toạ điều hành kỳ họp linh hoạt, dân chủ, gợi mở cho đại biểu, tăng thời gian thảo luận để quyết định được chuẩn xác, có tính khả thi. Việc chất vấn đã có trọng tâm, trả lời đi thẳng vào vấn đề, không né tránh trách nhiệm. Từ đầu nhiệm kỳ 2011 – 2016 đến nay, HĐND đã tổ chức chất vấn 44 lượt thành viên UBND, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộcỦy ban nhân dân thị xã. Thông qua công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân thì những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm được đại biểu HĐND phát hiện, lựa chọn để chất vấn như: Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý đô thị, chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà văn hoá, giải toả lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, giải quyết đơn thư của công dân… giúp cho người được chất vấn nâng cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp khắc phục những hạn chế, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Kế hoạch giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên, đột xuất được xây dựng khá cụ thể, sát thực tế. Thường trực HĐND, các Ban HĐND phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp và HĐND cấp xã trong hoạt động giám sát. Hình thức giám sát từng bước được đổi mới, chủ yếu là giám sát trực tiếp, ít khi giám sát gián tiếp thông qua việc xem xét báo cáo của các đơn vị. Sau khi kết thúc đợt giám sát, các đoàn đều có báo cáo kết luận, kiến nghị đơn vị được giám sát kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế; đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý được phát hiện thông qua hoạt động giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thị xã đã tổ chức 28 đoàn giám sát, 5 đoàn khảo sát tại 105 lượt đơn vị. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện công tác cải cách hành chính; quản lý và sử dụng biên chế; lập dự toán và quyết toán ngân sách; quản lý đất đai; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đô thị; vệ sinh môi trường; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ; quản lý, sử dụng và hiệu quả hoạt động của các nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện các đề án phát triển kinh tế; công tác thu, sử dụng, quản lý các khoản thu khác và các khoản đóng góp tại các trường học; xây dựng đường giao thông liên thôn, tổ dân phố; công tác xét xử, thi hành án hình sự; công tác tiếp dân; giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; các hoạt động của ngành tư pháp, khối nội chính. HĐND đã gửi 353 kiến nghị tới cơ quan được giám sát để giải quyết và các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết. Thông qua giám sát, nhiều vấn đề bức xúc đã được làm rõ, nhiều kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết, giúp cho chính quyền các cấp mạnh lên. Các báo cáo kết quả giám sát đều được gửi Thường trực Thị ủy để phục vụ cho hoạt động lãnh đạo chung ở địa phương.
Tuy đã đạt nhiều kết quả, nhưng hoạt động giám sát của HĐND thị xã vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là công tác giám sát chưa đều, chủ yếu do Thường trực và các Ban của HĐND tiến hành; việc tham gia của các đại biểu HĐND còn hạn chế; nội dung giám sát có lúc chưa sâu, kết luận giám sát đôi lúc chưa mang tính bao quát, toàn diện hoặc chưa chỉ đúng căn nguyên, đúng trọng tâm vấn đề đề cập. Cá biệt có trường hợp kết luận của đoàn giám sát chưa được coi trọng; sự tiếp thu, khắc phục còn hạn chế hoặc chậm trễ. Những hạn chế nêu trên một phần do chất lượng đại biểu HĐND không đồng đều, thiếu đại biểu chuyên sâu về một số lĩnh vực; thiếu kinh nghiệm; hoặc thiếu tự tin; hoặc thiếu quyết liệt, thiếu bản lĩnh khi tiến hành hoạt động giám sát; thiếu thông tin và thời gian; chưa có chế tài đủ mạnh để thực hiện tốt hoạt động giám sát của HĐND.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, HĐND thị xã luôn chú trọng theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của đoàn giám sát. Sau phiên chất vấn, lời hứa của người trả lời chất vấn được Thường trực HĐND chỉ đạo ghi chép, theo dõi, đôn đốc thực hiện và có thể báo cáo kết quả với HĐND. Trong một số trường hợp, HĐND thị xã đã tổ chức tái giám sát, đeo bám đến kết quả cuối cùng để các kiến nghị của Thường trực HĐND, các Ban HĐND được thực thi nghiêm túc; tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn đối với người được chất vấn.
Trong các năm 2011 đến năm 2014, HĐND thị xã đã tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn đối với Trưởng Phòng Quản lý đô thị, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường… về các vấn đề liên quan, qua đó cho thấy việc tổ chức thực hiện lời đã từng bước quan tâm, tuy nhiên vẫn còn nội dung thực hiện chưa triệt để, hiệu quả chưa cao. HĐND cũng tổ chức tái giám sát việc giải quyết các kiến nghị của HĐND thị xã như việc khắc phục hạn chế trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoạt động của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; việc thanh toán, tạm ứng đối với các công trình xây dựng cơ bản; công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giải quyết đơn thư do Thường trực HĐND chuyển theo thẩm quyền. Qua tái giám sát cho thấy công tác chỉ đạo, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND thị xã đã có sự quan tâm xem xét, giải quyết, tạo được sự chuyển biến, khắc phục một số tồn tại, hạn chế; tuy nhiên có nội dung chưa kịp thời đôn đốc, chỉ đạo nên còn để tồn đọng; có việc giải quyết còn chậm, như lĩnh vực giải quyết đơn thư, quản lý trật tự đô thị, đất đai, sử dụng vỉa hè; dự toán và quyết toán ngân sách… Những vấn đề này HĐND tiếp tục kiến nghị các đơn vị liên quan thực hiện và yêu cầu báo cáo kết quả với HĐND.
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát của HĐND trong giai đoạn hiện nay, trước tiên cần tăng cường sự vận động tự thân của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND và đại biểu HĐND như xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm; xác định đúng đối tượng, giám sát có trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên; chọn đúng việc, sử dụng các công cụ thích hợp và theo khả năng, lực lượng hiện có, không dàn trải; chủ động thu thập, phân tích và xử lý thông tin, trang bị kỹ năng giám sát; tăng cường các phương tiện trợ giúp như thanh tra, kiểm toán Nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên kiện toàn bộ máy, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh và nâng cao chất lượng, năng lực giám sát của đại biểu HĐND. Mặt khác, cần nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của bộ máy giúp việc HĐND để đảm bảo tính chuyên nghiệp; tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận giám sát và tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát, việc thực hiện lời hứa trước HĐND và cử tri địa phương. Một điều hết sức quan trọng là Quốc hội cần sớm ban hành Luật giám sát của HĐND, theo đó quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phương thức giám sát; cơ chế, nguồn lực để sử dụng tư vấn thẩm định, phản biện, phục vụ cho công tác giám sát của HĐND; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; xử lý, giải quyết, thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND; các chế tài áp dụng khi các cơ quan chức năng không thực hiện các kiến nghị sau giám sát, làm cơ sở pháp lý cụ thể để HĐND thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao./.