TP. Bắc Kạn chủ động ứng phó thiên tai

BBK – Thành phố Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa bão với phương châm “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục hiệu quả”.

Tường rào của Trường THCS Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) đổ sụp trong trận mưa lớn ngày 11/5/2023.

Trận mưa lớn ngày 11/5/2023 đã khiến tường rào của Trường THCS Huyền Tụng, vị trí sát các lớp học và khu dân cư tổ 11, phường Nguyễn Thị Minh Khai bất ngờ đổ sụp. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người. Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 17/5, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, khắc phục sạt, lở tường rào Trường THCS Huyền Tụng.

Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công được tiến hành khẩn trương. Toàn bộ tuyến kè xây bằng gạch cũ đang được thay thế bằng kè bê tông trọng lực, tường gạch sẽ được xây mới dài khoảng 93m, cao 2m. Tổng vốn đầu tư công trình là 950 triệu đồng, trích từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố, dự kiến hoàn thành xong trước 30/6/2023. Đây là một trong những sự việc thể hiện phản ứng nhanh chóng, kịp thời của thành phố Bắc Kạn trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Công trình khắc phục sạt lở tường rào Trường THCS Huyền Tụng đang được thành phố Bắc Kạn thi công khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà trường và khu dân cư.

Dù là trung tâm đô thị của tỉnh, nhưng thành phố Bắc Kạn có quỹ đất hạn hẹp, địa hình phức tạp với nhiều đồi núi, sông suối, hồ đập. Quá trình đô thị hóa, mở mang diện tích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh nhiều nơi thường phải san gạt đồi, hình thành các ta-luy có nguy cơ sạt lở cao, nhất là vào mùa mưa bão.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 44 địa điểm với tổng số 260 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai. Trong đó có tới 189 hộ sinh sống tại nơi có nguy cơ sạt lở đất đá, tập trung nhiều nhất tại các địa phương như: Phường Sông Cầu, Đức Xuân, xã Nông Thượng… 16 hộ ở nơi có nguy cơ thiên tai rất cao, 98 hộ trong vùng có nguy cơ cao.

Bên cạnh việc rà soát danh điểm, thống kê số hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét… UBND thành phố Bắc Kạn đã tổ chức kiểm kê trang thiết bị phòng thủ dân sự, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Qua đó cho thấy, hiện thành phố có 04 bộ xuồng cao su, 21 nhà bạt, 1.380 chiếc phao các loại cùng các trang thiết bị khác như dây nổi, dây thừng, loa tay, máy phát điện…

Để chủ động ứng phó với các tình huống, thành phố đã khẩn trương ban hành Phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Trong đó kiện toàn nhân sự Ban Chỉ huy PCTT-TKCN; phân công trách nhiệm các thành viên Ban cũng như Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy; quy định rõ chế độ thông tin báo cáo; phân cấp rõ ràng thẩm quyền giải quyết hậu quả thiên tai đối với cấp thành phố và cấp xã, phường.

Dựa vào những hình thái thiên tai thường xảy ra trên địa bàn trong những năm gần đây, thành phố dự kiến một số tình huống bất lợi có thể xảy ra và phương án ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Trong đó thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”; chú trọng cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; nghiêm cấm người dân ra sông vớt tài sản, hoa màu, củi hoặc đánh cá; chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất; bảo đảm vận hành tốt hệ thống thoát nước khu dân cư và các tuyến đường nội thị…

Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã chủ động xây dựng và phân công lịch trực, kịp thời tham mưu sớm cho thành phố khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần ổn định hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống người dân. Những bước chuẩn bị bài bản nói trên sẽ giúp thành phố Bắc Kạn huy động kịp thời nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống./.