Những năm về trước cái nghèo vẫn cứ đeo bám người dân nơi đây suốt nhiều năm. Đã vậy trong tổ còn hay xảy ra mâu thuẫn về tranh chấp đất đai giữa các gia đình, mâu thuẫn giữa vợ chồng, con cái. Đã khó lại còn khó hơn. Là người được dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm tổ trưởng tổ hòa giải nên ông Lý Kim Báo luôn trăn trở, tìm cách giúp người dân trong tổ từng bước thoát nghèo và tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.
Đóng góp lớn nhất của ông Báo đối với bà con nơi đây chính là đã làm thay đổi tư tưởng của người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Năm 1991, có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo các chương trình, dự án do nhà nước hỗ trợ đầu tư, nhưng nhận thấy các hộ dân trong tổ không mặn mà, chưa có sự tin tưởng vào việc trồng rừng, ông đã trực tiếp đến từng gia đình vận động, giải thích cho bà con về hiệu quả của việc phát triển kinh tế rừng. Với suy nghĩ “miệng nói tay làm” để nêu gương cho bà con, gia đình ông đi tiên phong trong việc nhận khoán đất đồi rừng để trồng cây quế phát triển kinh tế. Ba năm đầu kiên trì trồng và chăm sóc, ông đã phát triển được diện tích trên 5 ha quế. Với cách thức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh cây lúa nương, cây ngô trong quá trình đợi cây quế khép tán để có lương thực dự trữ, gia đình ông phần không lo việc thiếu gạo. Cũng từ đấy ông đã kích thích phong trào trồng rừng của người dân nơi đây ngày càng phát triển. Hiện gia đình ông trồng được 12ha rừng, trong đó có 5ha quế, 3ha keo, 3ha mỡ. Năm 2018, ông khai thác 1ha mỡ thu được trên 100 triệu, đến tháng 2/2019, gia đình ông khai thác tận thu trên 100 gốc quê 20 năm tuổi, thu về 130 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông vay vốn mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà, đào ao thả cá. Lợi nhuận ông thu được từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Ông Lý Kim Báo chia sẻ: Thời điểm đó, diện tích đất rừng còn trống nhiều, tuy nhiên, bà con trong thôn chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Vì trình độ dân trí không đồng đều nên tôi khá vất vả trong khâu tuyên truyền, vận động. Mà muốn vận động được người dân thì bản thân mình phải là người gương mẫu thực hiện trước. Việc nào có lợi cho dân thì phải cố gắng vận động người dân cùng làm, việc nào không có lợi, các thủ tục lạc hậu, cách chăn nuôi, trồng trọt không hiệu quả… thì phải vận động bà con xóa bỏ. Vận động một lần chưa được thì vận động nhiều lần. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua.
Thấy được lợi ích kinh tế lâu dài, bà con trong thôn chủ động trồng rừng. Đến nay, toàn bộ 88 hộ dân của Tân Cư đều sở hữu những vạt đồi quế, keo, mỡ xanh mướt, hộ ít thì có 4 ha đến 5 ha, hộ nhiều thì trên 10 ha. Nhiều hộ trở thành hộ khá giả như gia đình chị Triệu Thị Thanh, anh Phùng Kim An… có từ 5-7 ha. Giờ đây, trồng rừng phát triển kinh tế đã thành mục tiêu của người Dao ở tổ nhân dân Tân Cư. Màu xanh của rừng dần trải khắp nơi đây như những bước tường thành ngăn mưa nguồn suối lũ, bảo vệ, chở che các hộ dân. Hiện toàn thôn chỉ còn 02 hộ nghèo vĩnh viễn và 03 hộ cận nghèo, giảm rất nhiều so với năm 2003 hộ nghèo chiếm 50% cả thôn.
Không chỉ là một bí thư chi bộ đi đầu trong phát triển kinh tế rừng, ông Báo còn là người thấu tình, đạt lý trong việc hòa giải mâu thuẫn trong tổ. 16 năm làm công tác hòa giải, chứng kiến nhiều mâu thuẫn tưởng chừng như không thể giải quyết được, nhưng với sự kiên trì, công tâm ông đều giải quyết thành công. Ông Báo kể, còn nhớ năm 2015, trong thôn xảy ra một vụ cháy đồi keo 6 năm tuổi, với diện tích 0,5ha của gia đình anh Bàn Văn Đức, mà nguyên nhân do sự bất cất của hàng xóm. Nắm được tình hình vụ việc, ông Báo cùng tổ hòa giải đã đến nhà anh Đức thăm hỏi và làm công tác hòa giải. Ban đầu, gia đình anh Đức nhất quyết không đồng ý hòa giải vì thiệt hại về kinh tế quá lớn. Lúc này, ông Báo đưa ra những lý lẽ về tình nghĩa làng, tình cảm hàng xóm sứt mẻ khác nào như những cây khô trơ trọi trên rừng. Giải thích tỉ tê cho đôi bên xuôi tai, ông còn khéo léo nhiều lần sắp xếp hai người về nhà mình để có dịp gần gũi, trao đổi với nhau. Ông Báo bảo, mỗi con người đều có những cá tính riêng, thế nhưng điểm chung là khi phân xử công bằng, hợp tình, hợp lý thì mọi việc êm xuôi ngay. Vậy là, cả hai gia đình đã ưng thuận hòa giải, gia đình anh Đức được bồi thường 60 triệu đồng.
Ông Báo tâm sự, làm công tác hòa giải phải tế nhị, hài hòa, sẽ xoa dịu không khí căng thẳng, tránh để bé xé thành to. Công việc tưởng chừng như dễ dàng nhưng khi vào cuộc không hề đơn giản chút nào vì tâm lý “hơn thua” vẫn còn. Bên cạnh đó, khi đã hòa giải được ông còn tuyên truyền pháp luật đến các hộ gia đình, để mọi người hiểu và tránh vi phạm. Nhiều năm liền, ông Báo được bình bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây, nhiều chuyện lớn nhỏ bà con đều tìm đến ông. Lắm khi không phải vụ kiện, mà đơn giản ông là chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho họ giãi bày, học hỏi kinh nghiệm. Năm 2018, ông cùng tổ hòa giải đã giải quyết 8 vụ mâu thuẫn, trong đó có 03 vụ mẫu thuẫn gia đình giữa vợ chồng, 05 vụ mâu thuẫn đất đai đều hòa giải thành công.
Chị Triệu Thị An – Phó chủ tịch UBND phường Xuất Hóa cho biết: “Đồng chí Lý Kim Báo là Bí thư Chi bộ gương mẫu, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, nhờ có sự vận động của đồng chí Báo, người dân ở Tân Cư đã có nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống”.
Rời Tân Cư khi giữa trưa nắng, nhưng ông Báo vẫn đang cặm cụi phát cỏ cho rừng quế hơn 3 năm tuổi của gia đình. Những ấn tượng tốt đẹp về người Bí thư chi bộ người dân tộc Dao mẫn cán, nhiệt tình đã khiến tôi tin rằng, với những nỗ lực của ông Báo và bà con thì trong tương lai không xa, đời sống bà con đồng bào dân tộc Dao tổ Tân Cư nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc…./.