Trước thông tin bùng phát dịch bệnh tay chân miệng trong cả nước thời gian này các cô giáo trường Mầm Non Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã tăng cường vệ sinh sạch sẽ phòng học, khu vui chơi và bếp ăn cho học sinh trong nhà trường. Hiện nay trường Mầm Non Dương Quang có 170 trẻ từ 02 đến 05 tuổi theo học, để phòng chống dịch bệnh giao mùa cho trẻ, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các cô giáo thường xuyên rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi chơi ngoài trời và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt nhà trường đã quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng việc chú trọng tới bữa ăn sao cho đủ chất, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, sử dụng thực phẩm có xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra nhà trường còn chú trọng đến giáo dục thể chất thông qua những giờ tập thể dục giúp đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho học sinh. Cô Phạm Thị Lan Hương trường Mầm non Dương Quang, thành phố Bắc Kạn cho biết: Mỗi ngày trẻ đến lớp chúng tôi đều theo dõi và kiểm tra về miệng chân tay để xem có dấu hiệu biểu hiện của bệnh tay chân miệng không, thì chúng tôi sẽ báo cho phụ huynh biết để đưa trẻ tới cơ sở Y tế, từ đó có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường công tác tuyên truyền với các bậc phụ huynh về cách nhận biết các bệnh tay chân miệng, hướng dẫn học sinh thực hiện tốt khâu vệ sinh cá nhân để phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Trẻ ở lứa tuổi Mầm non rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nếu không được chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ, hơn nữa phần lớn thời gian các cháu học tập và sinh hoạt trên lớp, do đó các bậc phụ huynh luôn mong muốn có một môi trường đảm bảo an toàn giúp trẻ phát triển tốt nhất. Anh Nguyễn Trọng Đại tổ 2 phường sông cầu, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: Gia đình chúng tôi cũng lo lắng về dịch bệnh tay chân miệng. Khi các cháu đến trường học thì tôi mong nhà trường và các cô giáo quan tâm đến các cháu, vệ sinh sạch sẽ cho các cháu trước khi ăn uống, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 được coi là đỉnh điểm của dịch tay chân miệng. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt đau họng tổn thương về da chủ yếu ở dạng phồng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ . Tuy nhiên một số trường hợp có thể sẽ diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm để điều tri kịp thời. Hiện nay chưa có Vác xin phòng chống bệnh tay chân miệng do đó, biện pháp tốt nhất được ngành Y tế khuyến cáo là phòng bệnh. Bên cạnh sự chủ động của các nhà trường, các bậc phụ huynh cần rửa tay bằng xà phòng đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện vệ sinh dụng cụ ăn uống, ngăn không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc có nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ tới các cơ sở Y tế để khám và điều trị.