Chú trọng phát triển kinh tế rừng ở Xuất Hóa

Với lợi thế đất đồi, đất rừng, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, những năm qua, người dân phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng mở rộng diện tích trồng cây lâm nghiệp gắn với chế biến nông, lâm sản, góp phần đảm bảo độ che phủ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Người dân phường Xuất Hóa bắt sâu ong hại cây mỡ.

Trước đây, gia đình ông Triệu Kim Báo ở tổ 2 có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, ông đã tích cực vận động gia đình cải tạo đất đồi để trồng các cây keo, mỡ, quế. Đến nay, sau 18 năm gắn bó, gia đình ông đã có hơn 8ha rừng. Ngoài trồng rừng, gia đình ông còn thu mua vỏ quế tại khu vực bán cho tư thương. Ông Báo chia sẻ: Vườn rừng trồng của gia đình hiện có, đã là chu kỳ thứ 3, bình quân mỗi năm khai thác đạt thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhờ đó gia đình đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng dựng được nhà của khang trang”.

Ông Phùng Kim Bình, Tổ trưởng tổ 2, phường Xuất Hóa cho biết: “Trước đây, cuộc sống người dân tổ 2 gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn các hộ từ nơi khác đến định cư, chưa tìm được hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Từ những năm 2000 trở lại đây, nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó trọng tâm là trồng rừng, đời sống người dân thay đổi tích cực. Hiện, tổ 2 có hơn 300ha rừng trồng, chủ yếu là cây quế. Trung bình mỗi năm các chủ rừng khai thác khoảng 30ha rừng các loại, hộ ít cũng có thu nhập vài chục triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ một tổ phố tái định cư quanh năm đói nghèo, hiện tổ 2 chỉ còn 4/87 hộ nghèo đa chiều, số hộ khá giàu chiếm 40%”.

Nhằm khuyến khích Nhân dân phát huy tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, những năm qua, phường Xuất Hóa đã tranh thủ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân. Từ năm 2014 đến nay, phường được hưởng lợi từ các chương trình, dự án như: Dự án trồng cây phân tán, Dự án Honda, Dự án trồng rừng thay thế… qua đó hỗ trợ giống cây và công chăm sóc cho hơn 100 hộ dân phát triển kinh tế rừng. Năm 2022, tỉnh triển khai Dự án đường lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó phường Xuất Hóa được đầu tư mở mới 2 tuyến đường lâm nghiệp ở tổ 3 và tổ 6 với chiều dài 2km. Sau khi hoàn thành sẽ giúp người dân phát triển cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc và khai thác, vận chuyển lâm sản thuận lợi.

Ngoài keo, quế, mỡ, vài năm trở lại đây, các chủ rừng còn mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Gỗ tếch, bồ đề. Đến nay tổng diện tích rừng trồng toàn phường đạt gần 1.000ha, tập trung nhiều ở tổ 1, tổ 2, tổ 3, tổ 6. Đi đôi với trồng rừng thì việc thu hút đầu tư phát triển 13 cơ sở chế biến lâm sản tại phường cũng đã tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm gỗ rừng trồng và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, khoảng 02 năm trở lại đây, nhiều diện tích rừng trồng của người dân đối mặt với tình trạng sâu bệnh hại. Theo các chủ rừng, sâu ong hại cây mỡ và sâu đo hại quế đã gây hại khoảng hơn 50ha mỗi năm. Mặc dù người dân đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, trừ, nhưng chưa hiệu quả. Khó khăn ở đây là sâu hại nhiều trên những diện tích rừng lâu năm, cây cao, địa hình đồi núi dốc, khó phun thuốc diệt trừ. Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm tỉnh đã hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp xông khói diệt trừ sâu, nhưng các thiết bị, phương tiện để thực hiện chi phí cao, người dân chưa thể tự thực hiện.

Với giá trị kinh tế và lợi ích đem lại, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể phường tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, phát triển lâm nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, các quy định Luật Lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác nhằm tận dụng diện tích đất đai, phát triển rừng bền vững, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

                                 Hoàng Thạc