Ghi ở khu tái định cư Bản Bung, Khuổi Kén

Đến nay đã là năm thứ 3 đối với người dân thôn Bản Bung và là năm thứ 6 người dân thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang (TP.Bắc Kạn) về nơi tái định cư mới.  Cuộc sống người dân đã đi vào ổn định. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự cần cù trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay.

Diện mạo khang trang của khu tái định cư Bản Bung

Năm 2015, tỉnh Bắc Kạn khởi công xây dựng Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt đã thực hiện di dân thuộc khu vực lòng hồ. Để an cư, tỉnh bố trí hai khu tái định cư Bản Bung và Khuổi Kén. Sau khi giải quyết những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, năm 2017, 81 hộ dân thuộc khu lòng hồ ở thôn Bản Pẻn đã di chuyển đến khu tái đinh cư Khuổi Kén và đến năm 2020, 50 hộ dân ảnh hưởng mực nước hồ đến tái định cư ở Bản Bung. Các khu tái định cư đều được đầu tư xây dựng đầy đủ kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường học, nước sinh hoạt), các hộ được giao đất ở và hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Bản Bung cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 10km. Đến đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng nhiều thay đổi lớn: Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những con đường được bê tông hóa phẳng phiu, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhịp sống bình yên nơi ở mới đang hiện hữu trên gương mặt của người dân nơi đây.

Ông Đặng Kính Dũng, Trưởng thôn Bản Bung cho biết: “Sau khi an cư, bà con mua đất ruộng các thôn lân cận để canh tác và đi lại thực hiện các mô hình sản xuất trên những diện tích đất đồi tại nơi ở cũ có hiệu quả cao, như: Trồng ổi (6ha), mơ vàng (25ha), chuối tây (20ha), dứa (12ha), trồng rừng và chăn nuôi lợn, gà, dê. Hiện thôn có 90 hộ và chỉ còn 5 hộ nghèo. Năm 2022, thôn được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng vì đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo giai đoạn 2020-2022. Về nơi ở mới, bà con thôn Bản Bung còn chung sức cùng xã hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu dân cư. Trong năm 2022, nhờ các hộ đóng góp ngày công lao động, thôn đã có nhà văn hóa, sân thể thao và sửa chữa đường liên thôn đi lại thuận tiện.”

Đến với khu tái định cư Khuổi Kén, cũng là con đường bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp, uốn quanh bên những căn nhà 2, 3 tầng được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại. Theo ông Ma Hoàng Định, Trưởng thôn Bản Pẻn, từ khi chuyển về nơi ở mới, đường giao thông đi lại thuận tiện, gần trung tâm thành phố, các hộ không chỉ xây dựng nhà cửa khang trang mà còn chú trọng tìm kiếm việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Trước đây đa số bà con làm nương rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn, thì nay các hộ đã dần chọn cho mình được hướng đi phù hợp, như: Phát triển nghề cơ khí, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp theo hướng hàng hóa,…

Anh Phạm Văn Như, chủ xưởng cơ khí tại thôn Bản Pẻn cho biết: “Từ khi chuyển về thôn định cư, tôi đã ra trung tâm thành phố học hỏi và tự mở xưởng cơ khí, tạo việc làm cho 5 lao động trong thôn. So với trước đây làm nương, thì hiện tại có nơi ở tốt hơn, công việc phù hợp, cuộc sống gia đình khá giả hơn nhiều”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, cuộc sống hai thôn tái cư đã thật sự tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, người dân hai thôn Bản Bung, Bản Pẻn mong muốn tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện có, phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là hát Páo Dung của đồng bào dân tộc Dao (Bản Bung). Trước mắt cần sớm triển khai dự án đường vào hồ Nặm Cắt để khai thác tiềm năng du lịch du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, phát triển kinh doanh dịch vụ. Vì thực tế, quanh hồ Nặm Cắt, những diện tích đất sản xuất được người dân trồng cây ăn quả, trồng rừng và mặt nước hồ sẽ thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm./.

                           Hoàng Thạc