Di tích địa điểm Hội trường tám mái

Nằm trong thung lũng Sông Cầu, vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống  Pháp, vùng đất thành phố Bắc Kạn đã che chở nhiều cơ quan trung ương và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, để lại những di tích lịch sử mọt thời cứu nước. Di tích địa điểm Hội trường tám mái là một trong bốn di tích lịch sử tiêu biểu đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Di tích địa điểm Hội trường tám mái thuộc địa phận Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã sơ tán vào xóm Tổng Nẻng, xã Huyền Tụng, huyện Bạch Thông ( nay thuộc thành phố Bắc Kạn) để hoạt động bí mật. Tỉnh ủy đã dựng một khu nhà gọi là Hội trường tám mái là nơi bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tại hội trường này, liên tục diễn ra các cuộc họp trong phạm vi toàn tỉnh. Hội nghị diễn ra vào ngày 27/10/1951 vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện về chính sách thuế nông nghiệp, về công tác phục vụ kháng chiến. Trong buổi nói chuyện, Người đã biểu dương đồng bào Bắc Kạn làm được hai việc lớn là cố gắng sửa chữa cầu đường và sản xuất vụ mùa thắng lợi. Người căn dặn “ Từ Chủ tịch toàn quốc đến Chủ tịch huyện, xã cho đến cán bộ các cấp đều là đầy tớ của Nhân dân, cho đồng bào chứ không phải làm quan. Nên bất kỳ việc lớn, việc nhỏ, cán bộ phải bàn bạc với đồng bào, lấy ý kiến chung mà làm, như thế mới là dân chủ”.

Những lời dặn ân cần của Bác đến ngày hôm nay vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Bắc Kạn khắc sâu ghi nhớ và làm theo. Hội trường tám mái trở thành điểm di tích lịch sử cấp tỉnh.  Hội trường tám mái thôn Tổng Nẻng, xã Huyền Tụng – nơi diễn ra Đạihội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ III, tháng 6/1951.Vị trí Hội trường tám mái nay nằm trong khuôn viên Trường tiểu học Huyền Tụng A, hiện được thầy, cô giáo và học sinh nhà trường gìn giữ. /.

Nguồn: Theo Lịch sử Đảng bộ thành phố Bắc Kạn ( 1943 -2019)