Dương Quang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

(backancity.gov.vn)- Xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) có 9 thôn, gồm 863 hộ dân, với hơn 3.190 nhân khẩu, gồm các dân tộc: Tày, Kinh, Dao… sau khi về đích nông thôn mới vào năm 2019, xã Dương Quang tiếp tục nâng cao các tiêu chí, để làm bước đệm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Nhân dân thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang thực hiện tổng vệ sinh môi trường

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của UBND các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Dương Quang, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, 9/9 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, với những thành tựu quan trọng, nổi bật.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong giai đoạn 2019 – 2024, Đảng uỷ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, gắn với phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trên tinh thần sáng tạo, cách làm hay, tiên phong gương mẫu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả tích cực… Đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực quả mơ vàng dựa trên hợp đồng liên kết ổn định. Duy trì, phát triển Hợp tác xã nông lâm nghiệp kết hợp trên địa bàn, đến nay trên toàn xã có 6 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tăng 04 hợp tác xã so với năm 2019. Kinh tế tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ – thương mại, giá trị kinh tế tăng trưởng bình quân hàng năm đều tăng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 52,59 triệu đồng (tăng 16,63 triệu đồng so với năm 2019). Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, 09/09 thôn đã có nhà văn hóa, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa và bê tông hóa, 90% chiều dài các tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; thu ngân sách hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu cấp trên giao.

Văn hóa – xã hội đạt nhiều thành tích nổi bật, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá hàng năm đạt bình quân 90%, hàng năm có từ 70% trở lên thôn đạt danh hiệu “ thôn văn hóa”; tỷ lệ hộ nghèo giảm theo đúng chỉ tiêu giao (từ 4,12% năm 2021 giảm xuống còn 3,39% năm 2023). Các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao thường xuyên được duy trì tổ chức. Hiện nay, xã có 05 câu lạc bộ văn nghệ, 08 câu lạc bộ thể thao tại các thôn, các đơn vị trên địa bàn xã. Hệ thống trường lớp đã được xây dựng khang trang đạt chuẩn, Trường mầm non Dương Quang đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2024. Trạm y tế xã đạt chuẩn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Quốc phòng – an ninh luôn được đảm bảo, tỷ lệ tuyển quân hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn xã luôn ổn định giữ vững, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tiếp tục được đẩy mạnh; công tác xây dựng Đảng, Chính quyền và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả.

Hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong những năm tiếp theo Đảng uỷ, chính quyền xã Dương Quang tập trung lãnh đạo thực hiện theo phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong thực hiện Chương trình. Làm tốt công tác tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu, nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, hiện thực hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”; ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải biết phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới./.

Đặng Tuyết