Hiệu quả từ mô hình trồng Thanh long ruột đỏ của hội viên phụ nữ phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn

Trong những năm gần đây nhận thấy quả Thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Trần Thị Hường, tổ 1, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích gần 02ha đất đồi kém hiệu quả sang trồng hơn 10.000 gốc thanh long ruột đỏ. Đến nay, mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch khoảng hơn 3000 gốc. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị.

Chị Trần Thị Hường thu hoạch thanh long của gia đình

Năm 2016 chị Hường cùng với gia đình mua hơn 10ha đất đồi tại xã Nguyễn Phúc, huyện Bạch Thông. Sau khi mua đất chị và gia đình đã trồng cây bạch đàn, cây keo. Nhận thấy cây thanh long có năng suất kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên và đất tại nơi đây, chị và gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ.

Mức đầu tư ban đầu tương đối cao hơn 100 triệu đồng, chị đã được sự hỗ trợ của Hội LHPN tiếp cận với các nguồn vốn như: vốn của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, nguồn vốn Miserero, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển….đã giúp đỡ chị và gia đình trong việc đầu tư các chi phí ban đầu.

Theo chị chia sẻ: “Để có kết quả như ngày hôm nay, chị đã và gia đình phải lựa chọn rất kỹ cây giống, khâu làm đất, chuẩn bị cây trụ bê tông, phân bón. Trong quá trình chăm sóc, gia đình chủ động phòng chống sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động để giảm công sức lao động. Ban đầu thực hiện mô hình cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở các tỉnh bạn và qua các kênh thông tin đại chúng nên chị và gia đình cũng nắm được phần nào quy trình phát triển và cách chăm sóc cây thanh long ruột đỏ. Hiện nay mô hình đã bước đầu cho vào thu hoạch và hiệu quả kinh tế tương đối cao, vừa qua gia đình đã tiếp tục mở rộng diện tích thêm hơn 7000 gốc, cho đến thời điểm hiện tại có hơn 10.000 gốc. Dự kiến 7000 gốc đó sang năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch”.

Cây thanh long ruột đỏ là cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Tuy nhiên khoản đầu tư ban đầu là tương đối lớn về giống cây và trụ bê tông, sau đó hàng năm có thể cắt cành giâm làm giống. Một năm thanh long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng liên tục, sản lượng tăng dần theo những năm tiếp theo, tuổi thọ của cây thanh long từ 20-25 năm tùy theo công chăm sóc.

Tại thời điểm này gia đình chị đang thu hái, từ đầu vụ đến giờ gia đình chị Hường đã thu được khoảng 4- 5 tấn, giá trung bình từ 25.000-30.000đồng/kg. Mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra để có thể làm tốt công tác chăm sóc mô hình thanh long của gia đình, chị Hường đã thuê nhân công hiện đang sinh sống tại xã Nguyên Phúc để hỗ trợ gia đình chăm sóc đồi thanh long. Qua đó tạo việc làm cho 05 đến 06 công nhân có việc làm thường xuyên trong năm, tạo thêm thu nhập cho mỗi công nhân trên 5 triệu đồng/ tháng/người.

vườn thanh long ruột đỏ của gia đình chị Trần Thị Hường

 

Tuy thanh long ruột đỏ là cây có hiệu quả kinh tế cao nhưng theo chị Hường hiện tại đầu ra cũng còn gặp tương đối khó khăn, chủ yếu là các đầu mối lẻ tẻ, vận chuyển xa và đường đi lại còn khó khăn nên cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng của quả khi đến tay người tiêu dùng. Mong muốn của chị Hường là tiếp tục được mở rộng thị trường thu mua để cây thanh long ruột đỏ thật sự đem hiệu quả và tăng thu nhập cho gia đình trong những năm tiếp theo.

Mai Hạc – Hội LHPN Xuất Hóa