Học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý đô thị, thu hút vốn đầu tư tại một số thành phố trong cụm đô thị vùng Đông Bắc

Tại các buổi tiếp và làm việc, lãnh đạo thành phố bạn đã thông tin với đoàn về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương những năm qua; trao đổi những kinh nghiệm hay trong công tác xây dựng và quản lý đô thị, thu hút vấn đầu tư mà đoàn quan tâm.

Với Thành phố Móng Cái, đoàn công tác thu được nhiều bài học bổ ích, đó là: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư, cần hoàn thành và công bố công khai quy hoạch (trong đó có các quy hoạch chiến lược), trên cơ sở đó lập các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch nhân lực, quy hoạch du lịch, quy hoạch vùng sản xuất tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.

Mặt khác, cần huy động các nguồn lực, mở rộng hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hình thức hợp tác “công – tư” nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Cải thiện hạ tầng cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp và khu, cụm công nghiệp.

Tăng cường các biện pháp tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công và chính quyền điện tử, với 100% số thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm theo phương châm “một cửa tiếp nhận, một thẩm định, một phê duyệt tại chỗ”; đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho doanh nghiệp, định kỳ tổ chức gặp mặt đối thoại, tập hợp các kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp với tỉnh và Trung ương; đồng thời chủ động xử lý, tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền; đơn giản quy trình, công khai minh bạch thủ tục hành chính; đẩy mạnh các giải pháp đào tạo; thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; lựa chọn cán bộ, trí thức trẻ có trình độ, năng lực bố trí, điều động, luân chuyển về các xã, phường để thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ có chất lượng, kinh nghiệm, trưởng thành qua thực tiễn. 

Với Thành phố Lạng Sơn, để làm tốt công tác quản lý đô thị cần tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quy định về nếp sống văn minh đô thị. 

Quan tâm, tăng cường công tác quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong công tác cấp giấy phép xây dựng và sửa chữa, cải tạo nhà ở. Tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng đô thị và kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.

Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thành phố mở rộng ưu tiên cho đầu tư phát triển, cải cách thủ tục hành chính; công bố công khai và kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư để các nhà đầu tư lựa chọn; chú trọng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, với phương pháp đa dạng, thiết thực, cơ chế phối hợp tuyên truyền chặt chẽ; đôn đốc kiểm tra các công trình xây dựng thường xuyên, liên tục, phát hiện vi phạm ngay từ khi khởi công và có biện pháp ngăn chặn kịp thời; UBND các phường, xã cũng vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý đô thị trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.

Với Hạ Long, việc chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các cơ chế ưu đãi về đất và các cơ chế ưu đãi khác của Trung ương và tỉnh quy định cho từng dự án, cho các đối tác, các nhà đầu tư chiến lược, từng bước đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thu hút, kêu gọi tập trung, trọng điểm; đồng thời, được tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn gồm hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế; điều chỉnh giá thuê đất; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng; hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh ngày càng đơn giản hoá, rõ ràng, công khai, minh bạch; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng; đổi mới quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, đã rút ngắn 2/3 thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.

Tập trung lập quy hoạch chung; quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Công tác quy hoạch tạo quỹ đất tái định cư và quỹ đất phát triển phải được đặc biệt chú trọng; kiểm tra thực hiện quy hoạch được thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế những vi phạm về quy hoạch kiến trúc, quản lý đô thị. Đối với những dự án chậm tiến độ so với thời gian phê duyệt, thành phố báo cáo đề nghị tỉnh xem xét có biện pháp xử lý đẩy nhanh tiến độ hoặc đề xuất thu hồi. 

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác tại thành phố Hạ Long

Thay mặt đoàn công tác thành phố Bắc Kạn, đồng chí Triệu Đức Lân – Bí thư Thành ủy cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của các đô thị nơi đoàn đến làm việc và cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; đặc biệt là những kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý đô thị, thu hút vốn đầu tư phát triển./.