Mô hình trồng cây sắn giống KM94 được thành phố triển khai thực hiện vào tháng 4/2017, trên diện tích 15ha, với 23 hộ gia đình tham gia. Kinh phí thực hiện mô hình là 210 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp thành phố 176,85 triệu đồng để mua phân bón hóa học, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình; người dân góp 33,15 triệu đồng mua thêm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bỏ công chăm sóc và đầu tư thêm phân bón hữu cơ.
Trong quá trình triển khai mô hình, phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp với xã Nông Thượng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Theo đánh giá chung tại hội thảo, toàn bộ diện tích cây sắn thực hiện mô hình từ khi trồng đến thu hoạch (khoảng 8 tháng) đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu, bệnh hại, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và khả năng canh tác trên địa bàn thành phố. So sánh với cây sắn địa phương (làm đối chứng) cho thấy cùng điều kiện và đầu tư như nhau, giống KM94 phát triển tốt hơn và cho năng suất gấp đôi và hiệu quả kinh tế cao hơn, nếu trừ chi phí thu được 31 triệu đồng/ha (gấp 3,65 lần so với trồng giống sắn địa phương). Khi trồng sắn xen với cây quế trong 3 năm đầu còn có tác dụng tạo bóng râm bảo vệ nên cây quế có tỷ lệ sống cao hơn, đồng thời giữ ẩm đất, giảm xói mòn khi mưa lớn, không phải tốn công làm cỏ khi chăm sóc cây quế; đây cũng là một trong những phương án lấy ngắn nuôi dài trong phát triển cây lâm nghiệp tại địa phương.
Từ thành công bước đầu của mô hình này, các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tìm giải pháp nhân rộng mô hình ra các xã, phường khác nhằm đa dạng các loại cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.