Từ những năm 1995, gia đình anh Nguyễn Văn Rồng đã bắt đầu trồng cây ăn quả, thời điểm đó khi cây mơ đang có giá trị kinh tế cao, gia đình anh Rồng chủ yếu phát triển về diện tích cây mơ. Những năm tuy nhiên giá cả thị trường về mơ không ổn định, lúc được mùa thì mất giá, lúc được giá thì mất mùa nên gia đình chặt bớt đi để trồng cây khác. Đang loay hoay không biết trồng cây gì, sau 1 lần đi thăm quan tại xã Quang Thuận, thấy các hộ gia đình ở đây có thu nhập cao từ cây quýt, vợ chồng anh Rồng cũng mang về trồng thử. Thấy cây sai quả, chất lượng quả cũng tốt nên gia đình anh mở rộng dần diện tích trồng quýt bằng phương pháp chiết cành. Cây chiết tầm 3 – 4 năm bắt đầu bói quả, năm thứ 5 bắt đầu sai quả. Sản lượng quýt cũng tăng dần theo từng năm. Đến thời điểm này, gia đình anh Rồng có khoảng 1000 gốc cây ăn quả các loại, hiện đã có trên 700 gốc cây ăn quả đang cho thu hoạch. Trong đó sản lượng quýt đạt trên 15 tấn /năm. Phần lớn diện tích mơ và quýt nhà anh nằm trong thung lũng, ánh sáng yếu nên quýt chín cũng muộn hơn. Mỗi ngày 2 vợ chồng nhà anh đi hái được gần 3tạ quýt rồi lại thồ xe máy đem đi giao cho thương lái ở chợ với giá từ 6 – 13 nghìn/1kg tùy từng loại quả.
Năm 2013, gia đình anh Rồng tham gia Dự án Mở rộng mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái của thành phố Bắc Kạn để cung cấp lợn giống cho các hộ dân trên địa bàn phường. Đàn lợn nhà anh Rồng thường phát triển rất tốt, ít bệnh dịch, lợn mau lớn vì thế mà gia đình anh được mọi người cho là nuôi lợn “mát tay”… Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 100 con gà ta thương phẩm. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Rồng là một trong những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, bình quân cho thu nhập trên 300 triệu/năm. Anh Rồng ngoài việc phát triển kinh tế giỏi, anh còn luôn ra sức học tập, tìm kiếm đổi mới, trao đổi chia kinh nghiệm cho bà con trong tổ.
Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Rồng, hy vọng rằng trong thời gian tới trên địa bàn phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn sẽ càng có nhiều hộ nông dân vươn lên làm kinh tế giỏi./.