Nâng tầm chất lượng ẩm thực bản địa  

(backancity.gov.vn) – Nếu như ở nông thôn, các món ăn thì thường hướng đến việc tận dụng những sản vật bản địa. Còn ở đô thị lại là câu chuyện khác. Đó là làm mới, làm cho đặc sắc, trở thành đỉnh cao trong chế biến món ăn từ những bản gốc được hình thành trong đời sống thường nhật, điều này góp phần nâng cao chất lượng món ăn bản địa, mang lại giá trị bản sắc riêng cho sản phẩm địa phương.

Với 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa cùng nhau sinh sống, thành phố Bắc Kạn là địa phương hội tụ, bảo tồn và lưu giữ tinh hoa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Trong đó, ẩm thực truyền thống gắn với văn hóa bản địa của các dân tộc vẫn được gìn giữ, phát huy trong đời sống, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Yêu thích món bánh gio truyền thống của đồng bào Tày, bằng sự năng động của tuổi trẻ, chị Lộc Thị Chanh, trú tại thôn Cốc Muổng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn quyết định lựa chọn bánh gio để khởi nghiệp. Gần 5 năm kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn, chị cùng các thành viên hợp tác xã của mình chủ động tích lũy kinh nghiệm, chắt lọc công thức tốt nhất để giữ nguyên bản hương vị bánh gio truyền thống của đồng bào. Nhờ điều chỉnh hài hòa lượng gạo nếp với nước gio, thứ bánh có hình dạng ba góc được gói bằng lá chít lúc luộc chín có màu vàng hổ phách, vô cùng dẻo thơm khi ăn cùng mật mía. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã bánh gio Bắc Kạn do chị Lộc Thị Chanh sản xuất đã được chứng nhận sản phẩm ocop 3 sao. Từ một loại bánh truyền thống của đồng bào thường xuất hiện vào các dịp lễ, Tết, giờ đây bánh gio của hợp tác xã trở thành hàng hóa được sản xuất quanh năm, cung cấp đến người tiêu dùng địa phương, thực khách ở Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Chị Lộc Thị Chanh, thôn Cốc Muổng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn cho biết: ” Khi đạt được sản phẩm ocop là một sự nỗ lực rất lớn của mọi người, bởi vì thị trường trong nước gần như mình đã tiêu thụ rồi và cũng đã ra nước ngoài, nhưng mà hợp tác xã Bánh gio Bắc Kạn vẫn muốn đưa sản phẩm đi xa hơn nữa.”

Sau khi gói, bánh gio được nấu bằng phương pháp truyền thống 

Ẩm thực bản địa không chỉ là dịch vụ ăn uống thông thường mà còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện thú vị, nét văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc thành phố Bắc Kạn. Các sản phẩm có thể được truyền tải sinh động thông qua bàn ăn hoặc trong quá trình tiếp xúc giữa người nấu ăn/người bán hàng với thực khách. Từ nguồn nguyên liệu quen thuộc như: Thịt lợn, thịt trâu và cây dược liệu đặc trưng vùng, miền…các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Bắc Kạn khéo léo sáng tạo trong khâu chế biến, làm ra nhiều sản phẩm ngon, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực truyền thống của người tiêu dùng. Cụ thể như: khau nhục, chân giò hầm Tám Cương; thịt trâu, thịt ba chỉ hun khói, của hợp tác xã BKfood, Lạp xưởng của hợp tác xã Dương Quang,..đều mang hương vị đặc trưng tạo sức hút đối với thực khách trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Dương Quang trưng bày, giới thiệu tại dịp thành phố Bắc Kạn công bố quyết định xã Nông Thượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Hội xuân thành phố Bắc Kạn năm 2024.

Hiện nay, việc đầu tư cơ sở vật chất trong chế biến giúp các món ăn bản địa được quan tâm nâng tầm chất lượng, trở thành sản phẩm hàng hóa khi địa phương gắn với chương trình ocop, hay còn gọi là mỗi xã, phường một sản phẩm. Từ khi được triển khai đến nay, chương trình ocop thực sự là “đòn bẩy” lớn giúp người đam mê ẩm thực truyền thống có hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích những nhóm người có cùng sở thích xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành mô hình kinh tế tập thể làm giàu tại địa phương. Tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu, sự biến tấu về cách chế biến, đối tượng khách hàng hướng đến, mỗi cơ sở sản xuất đều có bí quyết riêng làm cho các nguyên liệu bản địa ngon miệng hơn, đẹp mắt hơn và có nhiều sự bất ngờ, hấp dẫn, mới lạ, tạo nên điểm nhấn quan trọng giúp sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.

Tính đến hết năm 2023, thành phố Bắc Kạn có 34 sản phẩm ocop được chứng nhận 3 sao trở lên, có những sản phẩm được chứng nhận ocop 4 sao, 5 sao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thành phố Bắc Kạn khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn chủ động tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh, thành phố tổ chức; tham gia trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội văn hóa lớn tại địa phương để đồng bào có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chị La Thị Tám giới thiệu các sản phẩm cho khách hàng, trong đó có món thịt gác bếp xào tỏi mang đậm hương vị truyền thống của người dân bản địa

Là một trong 7 cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp có dịp quảng bá, giới thiệu ẩm thực truyền thống tại Lễ hội văn hóa ẩm thực các dân tộc thành phố Bắc Kạn lần thứ nhất tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2023, chị La Thị Tám, tổ 1, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho biết: ” Cơ sở chúng tôi có cơ hội được giới thiệu đến du khách gần xã các sản phẩm như: Khau Nhục, chân gò hầm, thịt gác bếp, lạp sườn,..là những sản phẩm được chứng nhận ocop 3 sao trở lên, tôi rất mong có nhiều lễ hội như này tại địa phương để chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm ngon, sạch đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh,..”

Tận dụng tốt nguồn tài nguyên bản địa, phát huy, bảo tồn nét ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thành phố Bắc Kạn, bằng đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo trong cách thức chế biến, người dân thành phố Bắc Kạn đang thổi hồn vào ẩm thực bản địa những thứ gia vị riêng có ở địa phương. Đây cũng là cơ hội tốt cho người dân thành phố từng bước nâng tầm chất lượng sản phẩm bản địa đảm bảo ngon, sạch, đem lại những trải nghiệm thú vị, chứa đựng trọn vẹn hương vị truyền thống cho thực khách./.

 Triệu Biển