Nghề làm chổi chít ở tổ 10, phường Sông Cầu

Nghề làm chổi chít ở tổ 10, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn đã có từ vài chục năm nay. Nhiều người gắn bó với nghề cho dù gặp nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển nghề truyền thống này.

Nghề làm chổi chít của gia đình bà Trần Thị Nụ, tổ 10, phường Sông Cầu

Không khó để tìm được một gia đình có thâm niên trong nghề làm chổi chít tại “làng nghề” làm chổi tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. Thoăn thoắt theo nhịp tay, từ những bông chít nhỏ được bà Trần Thị Nụ bó, buộc, đan lại thành chiếc chổi bền, đẹp có tiếng khắp vùng. Bà Nụ cho biết, để làm ra một chiếc chổi chít, cũng rất cầu kỳ, mỗi nhà có một cách làm riêng. Với sản phẩm của nhà bà Nụ, chít thu về không phơi nắng mà treo trong hiên nhà, tránh nắng, gió để bông chổi giữ màu xanh cốm như lúc mới hái, khác hẳn với những cây chổi màu vàng nhạt của một số nơi. Cũng vì thế mà bông chít treo từ 2 – 3 tháng mới sử dụng được. Tùy theo độ dày, mỏng do khách đặt mà cuốn số lượng con chổi cho phù hợp. Loại dày đẹp được bà bán với giá 70.000 đồng/chiếc. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức. Bà Trần Thị Nụ, tổ 10, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Chổi này nhà làm là vò sạch hoa luôn, không có một nụ hoa nào. Nghề này trước có HTX nhưng về sau các gia đình tự tách ra khác làm, hàng gửi về Bắc Ninh đứng thứ nhất trong 17 hãng chổi ở đấy”

Tổ 10, phường Sông Cầu hiện có 106 hộ dân, trong đó có 12 hộ gắn bó với nghề làm chổi chít lâu năm. Đa phần là những người còn gắn bó với nghề là những người đứng tuổi. Từ những năm 1980 trở về trước, họ vốn là thành viên của HTX chuyên làm tăm hương, chổi chít đã có thời gian “xuất ngoại”. Từ sau khi mô hình HTX tan rã, nhiều thành viên vẫn bám nghề kiếm thu nhập. Dù đã hình thành từ lâu, nhưng để phát triển mở rộng quy mô thì nghề làm chổi chít còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Nguồn nguyên liệu chít tươi đang ngày càng thu hẹp và chỉ được thu hái trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, các hộ làm chổi phải đầu tư vốn ban đầu lớn để tích trữ nguồn nguyên liệu dùng cho một năm. Thị trường tiêu thụ cũng ngày càng gặp khó khăn hơn.

Bà Đỗ Thị Hòa, tổ 10, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho biết: “ Tôi gắn bó với nghề làm chổi này được 30 năm rồi, cũng là nghề phụ những lúc nhàn rỗi thôi. Nguyên liệu đi mua ở trong các bản, nếu không họ mang ra tận nhà, tôi mong bán được sản phẩm để tăng thu nhập…”

Các hộ sản xuất chổi chít mong muốn nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đồng thời hỗ trợ thành lập hợp tác xã hoạt động quy mô, có người đứng ra đại diện từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ, từng bước hình thành thương hiệu sản phẩm chổi chít thủ công truyền thống./.

Hoàng Thạc