Người dân Nông Thượng sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, UBND xã Nông Thượng và các tổ chức chính trị – xã hội được ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được hưởng lợi nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Nông Thượng là một xã thuần nông của thành phố Bắc Kạn. Người dân chủ yếu phát triển kinh tế nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Để người dân trên địa bàn xã, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, UBND xã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân. Hiện nay, Nà Diểu là một trong số thôn thuộc xã Nông Thượng đang sử dụng hiệu quả những nguồn vốn vay như: giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên, nhà ở theo Nghị định 100,…

Đon đả tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà cấp bốn khang trang, rộng rãi vừa hoàn thiện xong còn nồng mùi sơn trị giá gần 800 triệu đồng, chị Phạm Thị Tuyết, thôn Nà Diểu, xã Nông Thượng (TP.Bắc Kạn) nhanh nhẹn nói: “Năm 2022, gia đình được vay 20 triệu đồng từ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) để khoan giếng có độ sâu gần 30m, giờ cả nhà có nước sạch để dùng, đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm nay, tôi còn được vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để đầu tư trồng rừng. Hiện tại, hơn 01 hecta quế gia đình mới trồng, luôn được chăm sóc cẩn thận để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguồn nước sạch đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho gia đình chị Tuyết.

Là hộ gia đình có đất ở khá rộng, lại được Tổ Tiết kiệm & Vay vốn tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi, anh Hoàng Văn Đức quyết định vay 100 triệu đồng đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi cầy hương và chăn nuôi bò sinh sản. Hiện tại 20/100 ô chuồng đã bắt đầu nuôi cầy hương. Do đặc tính loài cầy hương thường ngủ ngày, ban đêm mới ra ngoài tìm thức ăn, thời gian chăm sóc ít, do đó mô hình này khá phù hợp với gia đình. Anh Đức chia sẻ: “Khẩu phần ăn của cầy hương đa phần là hoa, quả sạch, tôi thường liên hệ mua chuối tại thôn Bản Bung, xã Dương Quang cùng các loại trái cây khác. Trong quá trình nuôi, công tác phòng dịch bệnh phải đặc biệt chú ý, bởi cầy hương khi phát hiện chuồng trại có nhiều mùi lạ, chúng sẽ bỏ ăn.”

Sinh sống cùng thôn, nhờ chăm chỉ lao động gia đình anh Hoàng Thế Anh nhiều năm nay có nguồn thu nhập tốt từ trồng rừng và chăn nuôi lợn thương phẩm. Tuy nhiên, do tác động lớn của dịch bệnh đến việc chăn nuôi, cuối năm 2022 gia đình anh Hoàng Thế Anh mới quyết định vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn mua 03 con bò, 03 con trâu về nuôi theo hướng bán chăn thả vỗ béo. Anh tận dụng toàn bộ diện tích đất của gia đình trồng cỏ voi nên đảm bảo nguồn thức ăn xanh dồi dào. Sau hơn 04 tháng chăm sóc, hiện đàn trâu, bò của gia đình phát triển rất tốt.

Lứa trâu, bò đầu tiên tại gia đình anh Hoàng Thế Anh đang phát triển tốt

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thôn Nà Diểu cùng các Tổ Tiết kiệm & Vay vốn khác trên địa bàn xã Nông Thượng đã giúp các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thuận lợi tiếp cận và sử dụng đồng vốn rất hiệu quả, phù hợp với nguồn nhân lực, điều kiện đất đai,…Những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Hộ gia đình có kinh tế ổn định, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho bà con,…

Đề cập đến hiệu quả các nguồn vốn vay bà con đang thụ hưởng, chị Chu Thị Đáo, tổ viên Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thôn Nà Diểu cho biết: “Rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do ngân hàng Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai đã giúp bà con có thêm vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cụ thể như chương trình cho vay nước sạch-vệ sinh môi trường do Ngân hàng triển khai gần 20 năm nay đã thực sự giúp người dân thôn tôi có nước sạch đạt tiêu chuẩn để dùng; ngoài ra còn có điều kiện sửa chữa, xây mới hệ thống nhà vệ sinh, góp phần thực hiện duy trì tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã giai đoạn tiếp theo,…”

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Chính phủ giao Ngân hàng CSXH thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi, trong đó có chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.  Các địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang được hưởng lợi. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn Hoàng Đình Nhuận cho biết: “Xuất phát từ chính nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người dân, Ban Giám đốc thường xuyên tham gia cùng các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị ngân hành chính sách xã hội các huyện, thành phố đến kiểm tra thực tế nguồn vốn vay của cơ sở. Gần đây nhất, tháng 2/2023 qua kiểm tra thực tế nguồn vốn vay xã Nông Thượng, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương và 04 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn vay tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ tới người dân. Các Tổ Tiết kiệm & Vay vốn trên địa bàn xã tổ chức bình xét, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn đảm bảo chặt chẽ, đúng, đủ theo quy định; thực hiện quản lý vốn thường xuyên, tăng cường thăm nắm thông tin, kiểm tra, giám sát các hộ sử dụng vốn vay sau giải ngân đảm bảo đúng mục đích.”

Trong thời gian tới, để giúp người dân xã Nông Thượng (TP.Bắc Kạn) tiếp cận thuận lợi và sử dụng vốn vay hiệu quả, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là chương trình giải quyết việc làm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao,…

Triệu Biển