Phòng bệnh cho người cao tuổi trong ngày hè

(backancity.gov.vn) – Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người cao tuổi. Đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng chống bệnh, khả năng thích nghi với môi trường và thời tiết suy giảm, thường mắc các bệnh lý nền mạn tính. Vì thế, người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe tốt để phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm do tác động của nắng nóng gây ra.

Người cao tuổi đến điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn

Thời điểm nắng nóng, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn tiếp nhận, khám và điều trị nội trú cho nhiều người bệnh cao tuổi mắc đa dạng bệnh lý như: Tăng huyết áp, tim mạch, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, đột quỵ…

Theo các bác sĩ nhận định, người cao tuổi (NCT) dễ bị rối loạn hệ thần kinh, tim mạch. Do đó, môi trường thời tiết nắng nóng dẫn đến mất nước, mất điện giải thì khả năng điều chỉnh của cơ thể sẽ kém hơn. Người bệnh có thể bị đau đầu, choáng ngất.  Một căn bệnh hay gặp nữa là rối loạn tiêu hóa. Nếu NCT ăn phải những thực phẩm không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến nôn, tiêu chảy, mất nước thậm chí nhập viện để điều chỉnh những rối loạn đó. Bệnh cảm cúm, các bệnh lý đường hô hấp gia tăng như viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Các cơn tăng huyết áp dễ xảy ra khi thời tiết nắng nóng nếu không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến đột quỵ do nhồi máu não, chảy máu não.

Mùa nắng nóng, sức đề kháng giảm khiến các tác nhân gây bệnh viêm da đối với người già như viêm da dị ứng. Bên cạnh đó là những căn bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết…Trong số các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp xảy ra vào mùa hè thì say nắng, say nóng hay đột quỵ ở người cao tuổi chiếm một tỉ lệ đáng kể. Theo các bác sĩ, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại là yếu tố thuận lợi khiến những người vốn có các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, bệnh nhịp tim, bệnh lý chuyển hoá, béo phì hoặc người nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu, bia có thể bị đột quỵ. Đối với những trường hợp này nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời sẽ gây biến chứng nặng hoặc tử vong ở người cao tuổi. Bác sĩ Nông Văn Lực- Khoa Nội tổng hợp Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn cho biết: “Khi con người đã lớn tuổi, từ 45 tuổi trở lên thì nên xem thời tiết, nếu thời tiết thay đổi hạn chế ra ngoài, khi  ra ngoài thì cần có mũ, nón che mưa, che nắng. Đối với người cao huyết áp, cần chủ động đo huyết áp, uống thuốc dự phòng, để phòng chống tai biến. Đặc biệt là khi chuyển mùa, những ca bệnh đó sẽ tăng lên và tỷ lệ người tai biến cũng tăng, kể cả người bị hen phế quản cũng thế, khi thời tiết chuyển mùa thì những cơn hen sẽ đến, rất nhiều trường hợp đã phải vào viện cấp cứu.”

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người cao tuổi nên ăn đều đặn từ 4 – 5 bữa/ngày và nên ăn ít một lần để hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, giảm áp lực cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ… Đồng thời, người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Để tránh thiếu lượng nước cần thiết, nên uống nước đều đặn, đầy đủ vào buổi sáng (trung bình cần khoảng 2 lít nước/ngày). Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, người cao tuổi  nên hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, nội tạng động vật hay thức ăn tươi sống.

Tập luyện điều độ và nghỉ ngơi hợp lý: Người cao tuổi nên tập luyện điều độ mỗi ngày ít nhất 20 phút/ngày các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối, khi râm mát.

Người cao tuổi không nên nằm hoặc ngồi lâu một chỗ mà nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc nơi có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ và nên đến những nơi này để vừa tập, vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự để giải tỏa, cải thiện đời sống tinh thần, có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe thì càng tốt.

Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh, người cao tuổi cần đi khám sức khỏe và điều trị theo phác đồ bác sĩ. Với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, trong mùa hè cần tuân thủ việc dùng thuốc kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ./.

Hoàng Thạc