Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển dẫn đến nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tăng cao.
Để phòng ngừa ngộ độc tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng… phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP.
Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng thói quen sử dụng thức ăn đường phố. Tuy nhiên, vào thời điểm mùa hè với thời tiết nóng và ẩm, các loại thức ăn đường phố nếu không được bảo quản tốt dễ bị hỏng, mốc, ôi thiu, tiềm ẩn nguy cơ về ngộ độc thực phẩm. Tại thành phố Bắc Kạn, qua các đợt kiểm tra, giám sát cơ sở chế biến thực phẩm cho thấy, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao. Tuy nhiên, việc thực hành đúng về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. Người dân có thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến…Tại các đám cưới, đám giỗ, dựng rạp chế biến tại chỗ không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm chưa thực sự đảm bảo vệ sinh; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Để phòng ngừa ngộ độc, người dân cần thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm an toàn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ; tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín; rửa sạch tay; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch…
Minh Cường