Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố Bắc Kạn

Mặc dù các ngành chức năng và các xã, phường đã và đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch, nhưng dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục có nhiều ổ dịch bệnh viêm da nổi cục mới phát sinh và ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm tra tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC) diễn biến phức tạp và đang lây lan ra diện rộng, cụ thể: Từ đầu năm 2021 đến ngày 26/5/2021, bệnh DTLCP đã tái phát trở lại và xảy ra tại 121 hộ/28 thôn, tổ của 7 xã, phường làm tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 458 con tương đương 21,854 tấn; trong tháng 4, 5/2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại 02 hộ ở phường Huyền Tụng làm 02 con bò mắc bệnh. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh và các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, ve, mòng,…) phát triển nên nguy cơ bệnh DTLCP và VDNC phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất cao. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác trên đàn vật nuôi như tụ huyết trùng trâu bò, lép tô lợn, tụ huyết trùng lợn, Niucátxơn gà,… xảy ra nhỏ lẻ, phạm vi hẹp đều được khống chế kịp thời.

Thực tế qua kiểm tra, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục và bệnh dịch tả lợn châu phi thời gian qua đã được các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND các xã, phường chủ động, tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục có nhiều ổ dịch bệnh DTLCP tái phát trở lại, nguyên nhân do công tác tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo còn hạn chế, chưa sâu sát; một số hộ chăn nuôi không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly gia súc mắc bệnh; chưa tổ chức kiểm soát tốt việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ lợn giống, lợn thịt; chưa có vắc xin DTLCP và chưa thực hiện tiêm phòng vắc xin VDNC nên chưa tạo được miễn dịch quần thể; tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi đạt thấp so với kế hoạch.

Để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và phát triển chăn nuôi đạt kế hoạch giao. Ngày 26 tháng 5 năm 2021 UBND thành phố  ban hành công văn số 949/UBND – KT về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng thành phố, các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt một số nội dung như: Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và cơ quan chuyên môn để triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh trên đàn vật nuôi và công tác phát triển chăn nuôi có hiệu quả.

Các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, đôn đốc nhắc nhở các hộ chăn nuôi đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, theo địa bàn phụ trách. Hướng dẫn hộ dân chăn nuôi cách ly gia súc mắc bệnh, vệ sinh, sát trùng các vết thương, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại; phun thuốc diệt các loại côn trùng hút máu như ruồi, muỗi, ve mòng… tại các hộ chăn nuôi để công tác phòng chống dịch có hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời, khống chế không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đảm bảo kế hoạch. Thực hiện các biện pháp khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi tại vùng đang có dịch và vùng chưa có dịch để hạn chế thấp nhất việc lây lan mầm bệnh. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các giải pháp phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trên đàn gia súc và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Minh Cường