Tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh chính hại lúa, ngô vụ xuân 2021

Để chủ động phòng trừ sâu, bệnh chính hại lúa, ngô vụ xuân 2021; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố vừa ban hành hướng dẫn số 52 ngày 23/4/2021 về Biện pháp phòng trừ sâu, bệnh chính hại lúa, ngô vụ xuân 2021 .

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hiện nay các cây trồng vụ xuân đang phát triển tốt. Cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, cây ngô đang giai đoạn 7 lá đến xoáy nõn. Trên cây lúa: Bệnh đạo ôn lá gây hại trên giống lúa J02, lúa nếp… tỷ lệ lá bị bệnh 2 – 5% (Huyền tụng), diện tích nhiễm nhẹ 0,05 ha. Bọ rầy (Rầy nâu, rầy lưng trắng) xuất hiện và gây hại lúa ở tất cả các xã phường, mật độ phổ biến 500 – 700con/m2, cục bộ 1600 con/m2 , diện tích nhiễm 22ha. Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại rải rác tỷ lệ cây bị hại 1 – 2%.

Tuy nhiên, thời tiết trong những ngày qua có mưa kéo dài nhiều ngày, trời âm u, ít nắng, thời tiết mát, độ ẩm cao, dự báo thời gian tới thời tiết tiếp tục mưa nắng đan xen, đây là điều kiện rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên cây lúa, ngô vụ xuân. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng vụ xuân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn biện pháp phòng trừ mốt số đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu hiện nay như sau:

  1. 1. Trên cây lúa:

* Bọ rầy (Rầy nâu, rầy lưng trắng):

Kiểm tra ruộng khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên thì phun trừ rầy bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: Sachray 200WP, Bassa 50EC, Patox 95SP, Gà nòi 95SP, Oshin 20WP… Giữ nước trong ruộng từ 3 – 4 cm khi phun trừ, những ruộng có mật độ rầy cao cần phun kép 2 lần, cách nhau từ 5→7 ngày.

Đối với diện tích lúa ở giai đoạn trỗ trở đi, phun trừ Rầy bằng thuốc tiếp xúc như: Actara 25WG, Bassa 50EC, Tre bon 10EC…khi phun thuốc phải rẽ hàng thành băng rộng khoảng 0,8-1,2m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với Rầy ở phần gốc lúa.

Những diện tích có mật độ rầy cao trên 50 con/khóm có thể dùng 25ml Bassa 50EC + 15g Patox 95SP + 10ml chất bám dính (hoặc dùng 1-2g xà phòng bột hoặc 20-25ml dầu khoáng)/bình 10lít, phun 6 bình/1.000m2.

Chú ý: Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của Rầy.

Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau phòng trừ rầy và tiếp tục theo dõi, tránh hiện tượng rầy bùng phát trở lại (tái nhiễm).

* Bệnh đạo ôn lá:

– Những ruộng đang bị bệnh đạo ôn cần giữ đủ nước, dừng bón phân đạm, chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá chứa đạm.

Phun trừ ngay bằng một trong các loại thuốc sau: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC… phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. Nếu bệnh phát triển mạnh thì phun lại sau 5 – 7 ngày. Phun thuốc vào buổi sáng khi trời khô sương hay vào chiều mát. Không phun thuốc khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt. Những ruộng phun xong gặp mưa phải phun lại.

– Với những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ, phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ xong bằng một trong các loại thuốc nêu trên.

  1. Trên cây ngô

*Sâu keo mùa thu hại Ngô:

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và tiêu diệt sớm các “ổ” sâu non mới nở. Khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP…. để phun trừ khi sâu non mới nở (tuổi 1-2), phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại chính trên cây lúa, ngô vụ xuân tại thời điểm hiện nay để UBND các xã phường biết và tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân có biện pháp phòng, trừ kịp thời./.

Minh Cường