Thanh niên khởi nghiệp cùng OCOP

Tính đến thời điểm này, thành phố Bắc Kạn có hơn 30 sản phẩm được đánh giá OCOP 3 sao trở lên. Trong đó có những sản phẩm của đơn vị sản xuất, HTX do thanh niên đứng chủ. Tham gia chương trình OCOP, nhiều thanh niên có cơ hội được hỗ trợ, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thành đoàn Bắc Kạn thăm HTX bánh gio Bắc Kạn của chị Lộc Thị Chanh, tại xã Nông Thượng

HTX Bản Luông, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn thành lập từ năm 2019. Nói về sự đồng hành cùng với tổ chức đoàn thanh niên, chị Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX cho biết đã được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất “thuận theo tự nhiên”, điều mà chị đang theo đuổi cùng với các bạn đoàn viên thanh niên khác trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại HTX có sản phẩm trà lá quế men đường vi sinh, đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Khi được cấp chứng nhận OCOP, sản phẩm đã có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường các tỉnh, thành lớn trong cả nước.

Chị Ngô Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bản Luông, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Nhóm mình có định hướng chắc chắn, có định hướng phát triển ngay từ đầu, nên mình không quá nóng vội trong việc HTX sẽ phải định hướng phát triển như thế này, như thế kia. Vì thế sau 3 năm thành lập, HTX đã có những bước đi đầu tiên, thị trường chính của sản phẩm là những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. Chúng mình gia công thêm sản phẩm nông sản của địa phương trở thành mắt xích kết nối những người trồng nông sản như là trồng quế, gừng, nghệ, quýt…”

Ngoài hưởng lợi từ chương trình OCOP, thanh niên khi tham gia khởi nghiệp còn được hỗ trợ từ tổ chức Đoàn. Tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của thanh niên. Thanh niên có thể kết nối thông qua nền tảng công nghệ, mạng xã hội hay hội thảo, tọa đàm do các cấp bộ Đoàn tổ chức. Trong đó, chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được Thành đoàn đẩy mạnh.

Với sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, sự nhạy bén với thời cuộc, khi khởi nghiệp thì mục tiêu là sản phẩm OCOP luôn được họ hướng tới trước tiên. Đối với chị chị Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn, đi qua nhiều thành công, thất bại, nhưng vẫn kiên định con đường đã chọn. Đến nay, các sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao cấp quốc gia đang được chị đầu tư để sản phẩm “vươn ra biển lớn”.

Chị Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm xưởng vì đơn hàng rất nhiều. Với các sản phẩm tiềm năng 5 sao chúng tôi tiếp tục nâng cấp bao bì sản phẩm. Năm nay đã thuê thiết kế in lại để cho đẹp mắt hơn và phù hợp với tiêu chí của sản phẩm. Chúng tôi cũng đã hoàn thiện đánh giá sản phẩm ISO để sản phẩm khi lên 5 sao thì nó cũng phải tương đương với sản phẩm 5 sao khác”

Việc thanh niên tham gia chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm vẫn còn là bài toán khó trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân liên quan đến vốn, kinh nghiệm khởi nghiệp hay đáp ứng yêu cầu của OCOP. Do vậy, để OCOP thực sự là “sân chơi” của thanh niên, thời gian tới các cấp ngành, nhất là tổ chức Đoàn cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp.

Minh Cường