Thành phố Bắc Kạn đấu tranh với hoạt động tín dụng đen

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen cũng lợi dụng một số người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, cần tiền chữa bệnh, mua sắm tài sản để đầu tư sản xuất nhưng không có tài sản thế chấp, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Khi nhu cầu sử dụng tiền của nhiều người tăng lên thì cũng là cơ hội để những kẻ xấu trục lợi. Nhiều người đã vô tình sập bẫy tín dụng đen để rồi lâm vào khó khăn chồng chất.

Đấu tranh, phòng, chống hoạt động tín dụng đen, UNBD thành phố đã chỉ đạo bóc gỡ, tiêu hủy các tờ rơi quảng cáo cho vay được dán, rải trái phép trên địa bàn. Kiểm tra 27 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự đối với 05 cơ sở.

Phương thức hoạt động của tín dụng đen

Tín dụng đen theo nghĩa thông thường là tất cả các hoạt động tín dụng ngoài quy định của pháp luật và cho vay với lãi suất cao của các cá nhân hoặc một tổ chức nào đó. Đây là một hình thức cho vay với mức lãi suất rất cao so với lãi suất thông thường của các tổ chức tín dụng. Nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến 13%/năm, thì lãi suất “tín dụng đen” từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm.

Hiện nay chiêu trò quen thuộc của các tổ chức tín dụng đen là dán tờ rơi, quảng cáo với nội dung “Vay tiền nhanh, không cần thế chấp”, “Alo là có tiền!”… ở các trụ điện, bờ tường ở các hẻm, đường phố nơi có đông người qua lại. Thậm chí, những tờ quảng cáo này còn len lỏi đến tận thôn, bản. Để tạo lòng tin với người vay tiền, những người cho vay luôn tận tình hướng dẫn làm thủ tục và đưa ra các gói lãi suất linh hoạt mà không cần tài sản thế chấp.

Những kẻ cho vay lãi thường lập các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan chức năng. Để hợp pháp hóa hoạt động tín dụng đen, nhóm người này thường yêu cầu người vay tiền viết giấy bán tài sản như nhà cửa, đất đai, ô-tô…. sau đó tiếp tục cho người vay tiền thuê lại chính tài sản của họ để sử dụng. Người vay không trả được nợ sẽ bị kiện ra tòa hoặc bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để đối phó cơ quan chức năng, các đối tượng này thường làm việc một nơi và cất giấu giấy tờ, sổ sách liên quan hoạt động vay nợ ở một nơi khác.

Những hình thức cho vay tín dụng đen

Hình thức “Bốc bát họ” (Bốc bát – Bốc họ). Đây là một hình thức cho vay không cần thế chấp, không cần đặt cược bất cứ tài sản hay giấy tờ gì với lãi suất cao và không hợp pháp. Lãi suất được tính theo ngày. Người vay chỉ cần mang theo Chứng minh thư nhân dân, Sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe… để các đối tượng cho vay kiểm tra, sau đó sẽ có người trực tiếp xác minh người vay về nhân thân, lai lịch và điều kiện kinh tế nếu thấy người vay có tiềm năng các đối tượng sẽ cho vay và người vay chỉ cần viết giấy vay tiền.

Các đối tượng cho vay với hạn mức từ 10 triệu đồng (10 triệu đồng tương đương 01 bát họ) người vay lựa chọn một trong hai hình thức cho vay. Một là hình thức cắt lãi trước, ví dụ với khoản tiền vay là 10 triệu (01 bát họ), cắt lãi trước 2 triệu, người vay chỉ nhận được 8 triệu, hàng ngày người vay phải đóng tiền lãi và tiền gốc là 200.000 đồng/1 ngày trong vòng 50 ngày hoặc ngày đóng 250.000 đồng/1 ngày trong vòng 40 ngày. Hai là hình thức đóng cả lãi và gốc hàng ngày, ví dụ với khoản vay 10 triệu đồng (01 bát họ), người vay nhận về đủ 10 triệu đồng. Đóng tiền gốc và lãi là 300.000 đồng/1 ngày trong vòng 40 ngày. Các đối tượng sẽ tính lãi với cả hai hình thức trên ở mức từ 18% đến 30%/ 1 tháng hoặc từ 180%/năm trở lên.

Hình thức đảo bát họ. Khi người vay có tiềm năng về kinh tế thì các đối tượng thường ép buộc nạn nhân, chăn dắt nạn nhân vay nhiều nơi (Bốc bát họ tại nhiều quầy khác nhau) nhưng thực chất các quầy này cùng chung một chủ hoặc có mối liên kết thân thiết, để có tiền trả lãi hàng ngày các đối tượng cho người vay “Đảo bát họ”. Ví dụ: Người vay bốc một bát họ tương đương 10 triệu đồng, cắt lãi trước 2 triệu đồng, người vay chỉ cầm được 8 triệu đồng, hàng ngày người vay phải đóng 200.000 đồng/1 ngày trong vòng 50 ngày thì trả xong 1 bát họ. Nhưng khi người vay trả được 30 ngày tương đương với 6 triệu, 20 ngày nợ lại tương đương 4 triệu, thì các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như: ép buộc, chửi bới, đe dọa… thậm chí là dùng vũ lực để ép người vay phải bốc thêm một bát mới và tính lại từ đầu, nợ 10 triệu, cắt lãi trước 2 triệu và trừ 20 ngày nợ của bát cũ tương đương 4 triệu , vậy người vay chỉ nhận lại 4 triệu và hàng ngày vẫn phải trả 200.000 đồng tiền lãi và gốc trong vòng 50 ngày. Cứ như vậy người vay trả lãi mãi mà không bao giờ hết được nợ.

Hình thức vay nóng (vay lãi nằm) là hình thức mà người vay sẽ phải để lại tài sản để cầm cố, làm tin bằng các loại giấy tờ như: Bằng lái xe, đăng ký xe, sổ bìa đỏ.. các loại tài sản như xe máy, xe ô tô… Tùy vào giá trị của loại tài sản người vay để lại mà các đối tượng sẽ cho vay với số tiền tương ứng (Ví dụ: Nếu để lại giấy tờ xe, đăng ký xe thì người vay chỉ có thể vay được từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; nếu để lại sổ bìa đỏ hay ô tô thì người vay có thể vay được 100 triệu đến 200 triệu đồng). Đối với hình thức vay này thì người vay sẽ chỉ phải trả nguyên tiền lãi, thời gian trả lãi đã thỏa thuận với đối tượng cho vay, thường thì lãi suất sẽ là 3.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày…

Những hệ lụy còn đó…

Để phục vụ cho việc thu tiền, đối tượng cầm đầu sẽ thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ hung hãn… hình thành các băng, ổ nhóm để chuyên đi thu nợ. Khi người vay mất khả năng trả nợ, các đối tượng trên dùng mọi thủ đoạn để xiết nợ, như hành hung, bắt, giữ người trái pháp luật, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản hoặc bắt người vay đi vay chỗ khác về để trả nợ cho bọn chúng; một số trường hợp mất khả năng trả nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương đi nơi khác sinh sống, kiệt quệ tài sản, gia đình tan vỡ, thậm chí có người tìm đến cái chết.

Muốn tránh rủi ro cho bản thân và góp phấn đấu tranh phòng, chống nạn tín dụng đen, mọi người dân không nên vay tiền lãi suất “cắt cổ” bên ngoài mà nên tiếp cận với các ngân hàng để được tư vấn vay tiền với lãi suất thấp. Nếu phát hiện có đối tượng cho vay lãi kiểu tín dụng đen cần báo ngay với lực lượng Công an để có biện pháp phòng ngừa, góp phần bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội./.