Thành phố Bắc Kạn phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường

Hiện nay, toàn thành phố có trên 110.000 con gia súc, gia cầm. Nhiều năm trở lại đây, phương thức chăn nuôi chuyển dần từ quy mô hộ phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung. Với trăn trở việc phát triển chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh phòng dịch và môi trường, thành phố đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư, áp dụng phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học và chế phẩm EM khử mùi hôi của chuồng trại.

Nuôi gà đã nhiều năm nay, anh Trần Văn Dũng ở tổ 2, phường Phùng Chí Kiên là một trong những người đầu tiên ở thành phố áp dụng mô hình nuôi gà sinh học. Theo anh Dũng đệm lót cho gà rất dễ làm và dễ kiếm, có thể tận dụng trấu, mùn cưa để làm. Sau khi vệ sinh chuồng trại, rải một lớp trấu, mùn cưa mỏng và rắc đều men vi sinh lên là có thể tiến hành chăn nuôi. Việc chăn nuôi theo hướng này sẽ tăng chất lượng đàn gà và giảm tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, giảm thiểu được mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vài năm trở lại đây thành phố đã khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh sử dụng hầm khí Bioga. Anh Lèng Thái Nghiệp, tổ Bản Rạo (phường Xuất Hoá), một hộ sử dụng hầm khí Bioga để chăn nuôi lợn cho biết: Năm 2010, qua tìm hiểu và được sự hướng dẫn từ cán bộ địa phương, gia đình anh đã đầu tư kinh phí hơn 10 triệu đồng xây dựng bể Bioga để xử lý thất thải của lợn, vừa tạo khí đốt để phục vụ nấu ăn sinh hoạt lại không gây ô nhiễm môi trường.

Tìm hiểu ở phường Xuất Hoá được biết, ngoài các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn phường có tới hàng chục hộ chăn nuôi quy mô lớn khoảng 100 con/lứa trở lên. Theo anh Nguyễn Đăng Mạnh phó chủ tịch Hội nông dân của phường cho biết: Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nghiêm trọng. Chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng cộng đồng. Nhân thức được điều này, cùng với việc tuyên truyền, vận động, phường đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn đi tham quan thực tế những mô hình sử dụng hầm khí bioga hiệu quả để người dân làm theo. Thấy được lợi ích từ việc làm này, hiện nay không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng xây dựng hầm khí bioga.

Từ những lợi ích thiết thực của việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại đã góp phần rất lớn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố Bắc Kạn phát triển chăn nuôi theo hướng gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.