Thành phố Bắc Kạn phát triển kinh tế tập thể

(backancity.gov.vn)- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tích cực hỗ trợ máy móc, thiết bị; tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh… là những hoạt động mà thành phố Bắc Kạn tích cực thực hiện nhằm tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX).

HTX Dương Quang mạnh dạn chuyển đổi trồng hoa cúc làm trà nâng cao thu nhập cho các thành viên

HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng được thành lập năm 2017, ngành nghề chính là chế biến nông sản, chủ lực là các sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng. Năm 2020, HTX được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà xưởng, từ đây, hoạt động của HTX tiếp tục có bước phát triển. Có nhà xưởng, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, chế biến nên những sản phẩm tinh bột nghệ có chất lượng cao. Năm 2021, 2022, HTX tiếp tục được hỗ trợ hơn 900 triệu đồng để thực hiện Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nghệ Bắc Kạn. Có vốn, HTX đã liên kết các hộ dân trồng cây nghệ vàng để tạo vùng nguyên liệu lâu dài. Nhờ đầu tư bài bản, đến nay, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã vươn tầm trở thành một trong những HTX hàng đầu của tỉnh Bắc Kạn với các dòng sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát sấy khô. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp của HTX đã đạt OCOP 4 sao, có mặt tại nhiều siêu thị trên toàn quốc. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền thành phố và các cấp, ngành của tỉnh, HTX đã thành công với mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch, đặc biệt là chế biến tinh bột nghệ nếp địa phương thành sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có giá trị cao. Mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 5.000 tấn củ nghệ cho người dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn và Chợ Mới. Nhờ liên kết bền vững, đến nay, HTX đã có 20 đại lý tại các tỉnh và đã ký hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát cho một doanh nghiệp để xuất khẩu. HTX phát triển cũng tạo việc làm cho người dân địa phương, nhờ đó, đời sống từng bước được cải thiện”.

Cũng giống như HTX Nông nghiệp Tân Thành, trước đây, nhiều hộ dân phường Xuất Hóa chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy trồng nấm bán ra thị trường. Được sự hỗ trợ, khuyến khích của thành phố Bắc Kạn, năm 2011, các hộ dân trên địa bàn phường Xuất Hóa đã liên kết lại để thành lập HTX Minh Anh chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Với nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách được thành phố triển khai, HTX đã mạnh dạn mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng; ứng dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất. Với 8 thành viên ban đầu, đến nay, HTX phát triển lên 15 thành viên và 30 hộ liên kết trên địa bàn thành phố; thu nhập bình quân thành viên đạt 5 triệu đồng/người/tháng. HTX hiện có 6 sản phẩm thực phẩm và dược liệu, trong đó có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Từ năm 2020 đến nay, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà cũng được UBND thành phố hỗ trợ 700 triệu đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị trưng bày bán sản phẩm OCOP; HTX Hùng Tuyết được hỗ trợ gần 900 triệu đồng để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt siêu nạc… Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, thành phố cũng thường xuyên tạo điều kiện để các HTX trên địa bàn được tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm như: Tham gia các hộ chợ triển lãm; hội nghị kết nối cung – cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia các chuỗi giá trị…., qua đó từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thành phố cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý của các tổ chức kinh tế tập thể về nhiều nội dung như: Hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tập huấn đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; tập huấn ứng dụng các phần mềm cho HTX nông nghiệp và chủ thể OCOP; tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực xuất nhập khẩu…

Hiện thành phố có 54 HTX tạo việc làm thường xuyên cho 515 người, mức thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/người/ tháng; doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 173 triệu đồng/HTX/năm. 5 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động của thành phố cũng tạo việc làm thường xuyên cho 55 thành viên; doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác đạt 715 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 83/triệu đồng/năm. Ông Nông Thanh Nhã, Giám đốc HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn nói: “Trong thời gian tới HTX chúng tôi sẽ tăng thêm lao động và mở rộng Xưởng sản xuất, để có thể cung ứng được nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng so với những năm trước”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, TP. Bắc Kạn đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các THT, HTX và thành viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các THT, HTX kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…/.

Hoàng Thạc