Thành phố Bắc Kạn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp, hợp tác xã  

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần bắt nhịp để hội nhập và phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, việc ứng dụng chuyển đổi số đã trở thành “chìa khóa” quan trọng giúp các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố Bắc Kạn tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

         Cơ sở sản xuất của HTX Bánh gio xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có gần 50 hợp tác xã, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2021, thành phố có hơn 30 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, thành phố đăng ký thêm 11 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, nhiều HTX đã từng bước áp dụng chuyển đổi số bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…; đặc biệt tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố về phát  triển HTX.

Chị Lộc Thị Chanh, Giám đốc HTX Bánh gio Nông Thượng cho biết: “HTX cũng được đi tập huấn về công tác chuyển đổi số, cũng đang áp dụng dần dần để chuyển đổi số giúp cho sản phẩm được nâng cao về chất lượng cũng như được tiếp cận với thị trường dễ dàng hơn. Trước vẫn là bánh trần, bây giờ HTX có thể đưa sản phẩm để hút chân không, có tem để truy xuất nguồn gốc.”

Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh, HTX Nông nghiệp công nghệ cao BK Foods luôn chú trọng lựa chọn và áp dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Trong đó, HTX đã và đang tiếp cận với các sàn thương mại quốc tế, cho nhân viên tham gia các lớp quản lý về chuyển đổi số để bán hàng và marketing, đẩy mạnh thương mại điện tử. Việc triển khai các giải pháp “số hóa” đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao BK Foods chia sẻ: “Đối với chuyển đổi số, HTX nhận thấy rằng nếu như mình không chuyển đổi số mình sẽ bị tụt hậu. HTX cũng đang tích cực chuyển đổi số từng bước một, qua các sàn thương mại điện tử, facebook, zalo nếu không áp dụng thì bỗng nhiên mình bị tụt hậu khá là nhiều. HTX đang tiếp cận các sàn thương mại quốc tế, cho nhân viên đi học các lớp quản lý về chuyển đổi số để phù hợp với nhu cầu thiết yếu của thị trường.”

Chuyển đổi số được xem là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, nhất là đối với thành phố – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Qua thực tế hoạt động, phần lớn các HTX đã nhận thức được về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển; đã xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số theo giai đoạn và xác định những nền tảng cần có theo những nét đặc trưng của HTX. Thành phố cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX được các chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số tư vấn, cầm tay chỉ việc trong tiến trình chuyển đổi số tại đơn vị mình.

Mặc dù đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, việc thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp vẫn còn gặp phải những rào cản, khó khăn như về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số…Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số tại các đơn vị sản xuất như trình độ của các chủ thể sản xuất; mức độ sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số được đánh giá còn hạn chế,…

Chuyển đổi số đang tạo ra một khởi đầu cho một hình thức kinh doanh kết nối mang tính toàn cầu. Đây là cơ hội cũng là thách thức, buộc các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố cần chủ động thay đổi để kịp thời thích ứng và phát triển./.

Hoàng Thạc