Thị xã Bắc Kạn đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển giáo dục

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn, sự nghiệp phát triển giáo dục của thị xã Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới trường lớp ổn định, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục được duy trì, giữ vững và ngày một nâng cao. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng đảm bảo chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và giữ vững.

Cơ sở vật chất nhà trường luôn được đầu tư

Từ các nguồn vốn địa phương, Dự án phát triển giáo dục Trung học cơ sở (THCS) II và Đề án Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, trong những năm qua, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn thị xã luôn được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hoá. Toàn thị xã hiện có 24 trường học, trong đó có 07 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đến nay 86,44% số phòng học và 52% số trường đã được xây dựng kiên cố, 14 trường học có thư viện, 6 trường học có phòng thí nghiệm thực hành. Từ năm 2006 đến năm 2011 thị xã đã xây dựng mới được 04 trường cao tầng, hiện nay đang xây mới 03 trường học. Riêng năm 2011, bằng nguồn vốn tài trợ SEQAP – Chương trình đảm bảo chất lượng trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thị xã đã xây dựng được 04 phòng học và 02 nhà vệ sinh trị giá gần 02 tỷ đồng. 

 

Phòng Tin học của trường THCS thị xã Bắc Kạn

Hàng năm, các trường học của thị xã đều được bổ sung trang thiết bị dạy học,sách giáo khoa, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập, 100% các trường được trang bị máy tính và nối mạng internet phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập trong các nhà trường. Một số nhà trường đã có phòng máy tính phục vụ cho môn Tin học, phòng học Ngoại ngữ như: Trường THCS Bắc Kạn, THCS Huyền Tụng, THPT Bắc Kạn. Một số trường được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như: Máy chiếu hắt, máy chiếu Projecter phục vụ công tác quản lý và giảng dạy thực hiện  ứng dung công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT thị xã còn thường xuyên phát động phong trào và tổ chức Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi, quản lý và sử dụng tốt thiết bị dạy học được cấp phát. Các nhà trường đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và trong hoạt động dạy và học…

Chất lượng các ngành học luôn được duy trì, phát triển

Những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT của thị xã luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chăm lo phát triển. Tỉ lệ huy động học sinh vào các lớp đầu cấp đạt 100%, duy trì sĩ số đạt trên 99%. Thị xã là một trong những đơn vị luôn đứng đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh.

Đối với bậc học mầm non, hiện nay, mỗi xã, phường có 01 trường mầm non, 100% các trường mầm non đã tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường lớp của bé, xanh – sạch – đẹp, an toàn và thân thiện”. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của thị xã được nâng cao thông qua các hoạt động giáo dục như: Tuyên truyền nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học, tổ chức tốt các chuyên đề giáo dục trẻ “Làm quen với văn học, chữ viết”, “Làm quen với Toán”; tổ chức các Hội thi “Giáo dục an toàn giao thông”, Giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non”; giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm…; thực hiện tốt việc lên thực đơn, tính khẩu phần ăn cho các cháu, khám sức khoẻ và theo dõi sức khoẻ định kỳ; phối hợp với phụ huynh học sinh, các cơ quan hữu quan thực hiện chương trình phòng chống các loại dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng. Hiện nay, trên địa bàn thị xã, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các trường mầm non là 7,07%; tỷ lệ học sinh tiên tiến và xuất sắc đạt 55,89%; 100% trẻ mầm non 05 tuổi được huy động và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. 

 

Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ tại các trường học

trên địa bàn thị xã Bắc Kạn luôn được quan tâm 

(học sinh Trường Mầm non Đức Xuân – thị xã Bắc Kạn được hướng

dẫn rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh)

Đối với bậc học phổ thông, từ năm 2006 đến nay, thị xã tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, ngành GD&ĐT thị xã đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, tăng cường thực hành, chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, dạy học tích cực, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục môi trường, giáo dục kiến thức quốc phòng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành; tổ chức thực hiện chương trình giảm tải sách giáo khoa, chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học, tăng cường bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém; tổ chức và tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Tham quan di tích lịch sử, các Hội thi “Chiếc nón kỳ diệu”, “Ngày hội đọc sách”, Hội trại “Trường học thân thiện”, hội thi văn nghệ – thể thao…; xây dựng và duy trì tốt nền nếp, trật tự, kỷ cương trong trường học, phát động các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt“, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” và các cuộc vận động “Hai không”; tổ chức tuyên truyền, giáo dục học sinh về pháp luật như: Thực hiện trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

Công tác phổ cập giáo dục của thị xã cũng được đặc biệt quan tâm duy trì, củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng. Từ năm 2006 đến năm 2011, thị xã liên tục được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.

Chất lượng giáo dục toàn diện của thị xã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh khá giỏi bậc tiểu học đạt 76,68%, bậc THCS đạt 50,82%, bậc THPT đạt 61,8%. Từ năm 2006 đến hết năm 2011, thị xã có 1010 lượt học sinh giỏi cấp thị xã; có 436 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh của thị xã tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi, Hội khỏe Phù đổng, Giao lưu Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tỉnh… luôn đạt giải Nhất toàn đoàn. Đặc biệt, năm học 2010 – 2011, trong các kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Anh, Toán tuổi thơ toàn quốc, thị xã đã có 08 học sinh đạt giải môn tiếng Anh, trong đó có: 02 giải Bạc và 06 giải Đồng, 02 học sinh đạt giải Đồng môn Toán, 01 học sinh được Đài truyền hình Việt Nam mời đi giao lưu thi kể chuyện tại Hà Nội.

Trong lĩnh vực Giáo dục thường xuyên, hiện nay, thị xã đã thành lập 08 Trung tâm học tập cộng đồng của 08 xã, phường, trong đó xây dựng 01 Trung tâm học tập cộng đồng điểm tại xã Xuất Hóa. Các trung tâm học tập cộng đồng được sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước, hiện tại đang dần hoạt động có hiệu quả, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hàng năm, các Trung tâm đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn như: Tìm hiểu về Luật, Kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi, trồng trọt…

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT thị xã đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Đội ngũ giáo viên được bổ sung đủ về số lượng tương đối đảm bảo về chất lượng và tiếp tục được chuẩn hoá. Đến nay, toàn thị xã có 583 cán bộ quản lý giáo viên và nhân viên; giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, THPT đều 100% đạt chuẩn, chỉ riêng bậc THCS đạt 99.3%. Từ năm 2006 đến 2011, thị xã có 461 lượt giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, 73 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 01 cán bộ quản lý tiểu học giỏi cấp Quốc gia. Hàng năm, đoàn giáo viên thị xã tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh luôn đạt giải Nhất, Nhì toàn đoàn.

 Từ năm 2006 đến nay, ngành GD&ĐT thị xã không ngừng tăng cường học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng hè hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dưới nhiều hình thức như: Tổ chức được 15 lớp tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT; 45 hội thảo, hội nghị chuyên đề về chuẩn kiến thức kỹ năng, sử dụng giáo án điện tử, Power point; tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hộ thi Tổng phụ trách Đội giỏi, thi cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học…, ngoài ra còn tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm các đơn vị bạn về phương pháp giảng dạy mới, quản lý học sinh và xây dựng Trường đạt chuẩn Quốc gia…

Để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và chuẩn hoá đội ngũ, hàng năm Phòng GD&ĐT thị xã đã tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên theo học các lớp: Cao đẳng tại chức, Đại học tại chức, Thạc sĩ, lớp quản lý giáo dục, Trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, Cao cấp lý luận chính trị; thường xuyên tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý trường học và thực hiện công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý các trường học đảm bảo theo đúng quy trình; tham mưu cho UBND thị xã tuyển dụng viên chức, điều động cán bộ quản lý ngành GD&ĐT; thực hiện triển khai công tác quy hoạch cán bộ trong toàn ngành theo đúng quy trình, đúng các văn bản chỉ đạo; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, cho cán bộ giáo viên, nhân viên; thực hiện triển khai đánh giá xếp loại giáo viên mầm non, tiểu học và THCS theo Chuẩn nghề nghiệp và đánh giá xếp loại Hiệu trưởng trường THCS theo Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS, đánh giá viên chức sự nghiệp đúng quy định; tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, của ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt các cuộc vận động: “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng “Gia đình văn hoá”,  tham gia tốt phong trào thi đua “Hai tốt”, “Hai giỏi”.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã, công tác xã hội hóa giáo dục trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực và phát huy được hiệu quả. Ngành GD&ĐT thị xã luôn nhận được sự quan tâm đóng góp ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân để tu sửa cơ sở vật chất, trường lớp học, xây dựng bếp ăn, sân chơi, mua sắm trang thiết bị dạy học…. Các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Khuyến học, Thị đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội… thường xuyên phối hợp với ngành GD&ĐT thị xã tổ chức giáo dục đạo đức học sinh, động viên khen thưởng những thầy cô giáo và học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập…

Trong những năm qua, sự nghiệp phát triển giáo dục của thị xã Bắc Kạn tiếp tục có những bước đi vững chắc, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Công tác phổ cập giáo dục luôn được duy trì, giữ vững, các loại hình trường lớp phát triển mạnh từ bậc mầm non đến THPT. Ngành GD&ĐT thị xã đã có bước phát triển rõ nét, đặc biệt khi nhân dân và các doanh nghiệp cùng tích cực tham gia vào công tác xã hội hoá giáo dục. Sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội đã tạo tiền đề cho ngành GD&ĐT thị xã được mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới sự phát triển giáo dục toàn diện./.

Thu Cúc