TP.Bắc Kạn chú trọng phát triển vùng trồng cam, quýt  

Tận dụng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp, thành phố Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư mở rộng, cải tạo diện tích trồng cam, quýt. Qua đó góp phần phát triển bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả đặc sản, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Bà Vy Thị Lợi, tổ 5, phường Xuất Hóa thu hoạch quýt

Là một trong những hộ tiên phát triển kinh tế từ mô hình trồng quýt, đến nay gia đình bà Vy Thị Lợi, tổ 5, phường Xuất Hóa đã có hơn 3.000 cây quýt bản địa. Bình quân mỗi năm vườn quýt của gia đình bà cho thu hoạch từ 15 – 20 tấn quả, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bà Lợi chia sẻ: Nhận thấy đất vườn đồi ẩm, tơi xốp rất thích hợp trồng cây ăn quả. Năm 2000, tôi sang xã Quang Thuận (Bạch Thông) mua giống quýt bản địa về trồng. Sau khoảng 04 năm, cây quýt bắt đầu bói quả, từ đó sản lượng quýt tăng qua các năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, mỗi năm gia đình cải tạo, mở rộng diện tích lên như hiện tại.

Không chỉ gia đình bà Lợi, mà nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Bắc Kạn cũng có thu nhập cao từ trồng cam, quýt. Tuy nhiên, sau quá trình phát triển tăng nhanh diện tích và sản lượng đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Thị trường tiêu thụ cam, quýt ở tỉnh hạn chế, xảy ra tình trạng dư thừa, giá thấp, một số hộ dân dần chuyển đổi vườn quýt lâu năm năng suất thấp sang trồng cây lâm nghiệp… Trước thực trạng trên, thành phố Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây cam, quýt, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò nhóm cây chủ lực.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 24/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố Bắc Kạn xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả đặc sản, thành phố quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tại các vùng phù hợp. Trong đó, cam, quýt là một trong những nhóm cây trồng chủ lực được thành phố quy hoạch vùng trồng tại các xã Dương Quang, Nông Thượng và phường Xuất Hóa, Đức Xuân.

Ông Triệu Văn Nhúc- Chủ tịch UBND xã Nông Thượng cho biết: Xã được UBND thành phố quy hoạch thành vùng trồng cam, quýt nên hằng năm chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng trồng, chú trọng chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trung bình mỗi năm xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 2 đến 3 buổi tấp huấn chuyên đề hoặc hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, quýt. Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thực hiện mô hình trồng thâm canh cây cam Vinh, cải tạo cây quýt bản địa với diện tích hơn 10ha. Cùng với quy hoạch vùng trồng, thành phố còn định hướng người dân quan tâm khâu lựa chọn các loại giống tốt, phù hợp; tập trung đầu tư, chăm sóc để duy trì những vườn cây đang cho thu hoạch cao; thâm canh, cải tạo, thay thế dần những vườn cam, quýt đang già cỗi; chọn vườn trồng tập trung hướng dẫn người dân chăm sóc theo hướng hữu cơ,…

Trong năm 2022, thành phố thực hiện thâm canh, cải tạo 20ha quýt, 28ha cam tại xã Nông Thượng, phường Xuất Hóa; qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng thu hoạch. Đến nay, toàn thành phố có hơn 83ha cam, quýt. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 63ha, năng suất quýt đạt 85 tạ/ha, cam đạt 94 tạ/ha, tăng khoảng 10 tạ/ha so với trước khi cải tạo.

Bà Âu Thị Xuân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn cho biết: “Thời gian tới, phòng tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển vùng trồng cam, quýt; phấn đấu thâm canh, cải tạo khoảng 20ha/năm; tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc vườn quýt theo hướng an toàn, sạch bệnh để đạt chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm gắn bó với cây cam, quýt, góp phần phát triển bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả đặc sản địa phương.”

                         Hoàng Thạc