Trồng dưa chuột cho thu nhập ổn định

Trong những năm gần đây, thành phố Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị. Ở Nông Thượng, cây dưa chuột đang trở thành cây trồng thế mạnh đem lại thu nhập cho người nông dân.

Chị Lý Thị Quy, thôn Khau Cút, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn bên  vườn dưa chuột

Gần 1.000 m2 diện tích đất trồng lúa của gia đình chị Quy đã được chuyển đổi sang trồng dưa chột. Cây dưa chuột ta được gia đình chị trồng nhiều năm nay. Mỗi năm 3 vụ dưa trồng xen một vụ lúa hoặc ngô. Bằng kinh nghiệm tích lũy thực tế, bản thân chị chủ động học hỏi kỹ thuật trồng chăm sóc cây dưa chuột trên mạng xã hội. Mỗi vụ trồng dưa chuột mang lại thu nhập cho gia đình chị Quy từ 15 – 20 triệu đồng/1.000 m2. Chị Lý Thị Quy, thôn Khau Cút, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Cây dưa cho năng suất, giá trị cao, bán ra thị trường được giá hơn cây lúa cây ngô, tôi trồng cây dưa này để cải thiện kinh tế gia đình. KHKT tự mày mò thôi, tôi làm có phủ được bạt xong, mắc được lưới thì cây dưa sẽ leo giàn tốt hơn, khả năng chống chịu bệnh sẽ tốt hơn, sản lượng sẽ cao hơn, quả đẹp hơn, bán ra thị trường được giá hơn. Tôi mong muốn được ngành chuyên môn hỗ trợ vấn đề phân bón, cách phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật mắc lưới để làm giàn phù hợp, góp phần tăng sản lượng, nhất là giống dưa bản địa.”

Xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn hiện trồng hơn 2,5 ha diện tích rau các loại, trong đó cây dưa chột ta là 1,2 ha. Diện tích cây dưa chuột tăng đều qua các năm. Quả dưa chuột Nông Thượng được thị trường đánh giá cao về độ thơm ngon, giòn, đẹp quả. Trong những năm gần đây trồng dưa chuột đã đem lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân địa phương nhờ gắn bó với loại cây này mà đã khá lên thoát khỏi nghèo khó.

Chị Triệu Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Hiện nay Hội nông dân xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp triển khai trồng giống dưa chuột giống Nhật, có gần 20 hộ tham gia mô hình này. Vào thời điểm này, chưa có nhiều hộ dân tham gia, do phần lớn diện tích bà con đang trồng giống dưa bản địa rồi, diện tích đất còn lại rất ít. Người dân ở đây mong muôn tăng vụ dưa lên. Hội nông dân phối hợp với các ngành, TTDVNN để thăm nắm nguyện vọng của bà con, tập huấn KHKT trồng dưa, tuyên truyền thu hút bà con tham gia”.

Để đưa cây dưa chuột phát triển thành vùng chuyên canh, ngành chuyên môn cũng như chính quyền địa phương cần có định hướng trong thực hiện liên kết để có đầu ra ổn định cho bà con. Người nông dân cần tích cực, chủ động trong ứng dụng KHCN trong sản xuất; chuyển đổi số trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm để quả dưa chuột trở thành hàng hóa đem lại thu nhập cao./.

Minh Cường