Xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi về diện mạo đô thị, ngành thương mại – dịch vụ của thành phố Bắc Kạn đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung, thành phố nói riêng. Kết quả đó là nền tảng để thành phố trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ hàng đầu của tỉnh.

Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza 

Thành phố Bắc Kạn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy thương mại – dịch vụ phát triển, những năm qua, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng tạo đà thúc đẩy phát triển dịch vụ – thương mại theo hướng hiện đại. Nổi bật nhất là đầu tư mở rộng hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường được mở mới như: Đường Tây Minh Khai; đường kết nối tổ 11B, phường Đức Xuân đi tổ 11, phường Phùng Chí Kiên; cầu Đội Kỳ kết nối hai bên sông Cầu… tạo không gian phát triển đô thị, kết nối các khu vực, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Đến nay, thành phố có 01 trung tâm thương mại và các siêu thị tiện ích, điện máy quy mô lớn đi vào hoạt động tạo sự khởi sắc rõ nét cho thành phố như: Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, siêu thị BK Mart, siêu thị điện máy xanh Bắc Kạn….Việc khai thác hiệu quả hoạt động các chợ (Đức Xuân, chợ Bắc Kạn, Nguyễn Thị Minh Khai, điểm mua bán khu Quang Sơn) và các điểm kinh doanh tập trung (phố ẩm thực tuyến đường Thanh Niên, phường Sông Cầu), (khu vực kinh doanh nhà Văn hóa tỉnh)… tạo nên sự đa dạng về dịch vụ đáp ứng nhu cầu mua – bán của Nhân dân.

Hạ tầng dịch vụ – thương mại đa dạng còn hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố. Trong vòng ba năm trở lại đây, mặc dù ngành dịch vụ – thương mại chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, song tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ thành phố vẫn tăng 24%. Trong đó, năm 2022 đạt 3.531 tỷ đồng, tăng 8,48% so với năm 2021. Cùng với đó, hơn 1.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã trực tiếp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của thành phố và các vùng lân cận.

Ngoài ra, một số loại hình như: Hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, viễn thông cũng phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Trong đó phải kể đến sự phát triển của hệ thống tín dụng, ngân hàng. Hiện trên địa bàn thành phố có 08 tổ chức tín dụng của Nhà nước và chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động đáp ứng nhu cầu về vay vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Bắc Kạn cho biết: Để thành phố Bắc Kạn trở thành trung tâm thương mại dịch vụ hàng đầu của tỉnh, thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên dành nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, các thiết chế văn hóa và các trung tâm dịch vụ. Về giao thông, trước mắt sẽ xây dựng đường vào hồ Nặm Cắt; đường kết nối Phiêng My khu công nghiệp Huyền Tụng để tạo mặt bằng, không gian đô thị thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Về các thiết chế văn hóa, thành phố được tỉnh đầu tư xây dựng công trình Sân vận động để tạo thành thiết chế văn hóa thể thao. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách hoàn thiện các khu đô thị, khu thương mại, khu du lịch để vừa thay đổi bộ mặt đô thị, vừa tạo ra giá trị gia tăng xã hội, giải quyết việc làm cho Nhân dân./.

Đặng Tuyết