(backancity.gov.vn)- Đến thôn Bản Bung, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những ngôi nhà xây mọc lên san sát, những con đường được bê tông hoá, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhịp sống bình yên nơi ở mới đang hiện hữu trên gương mặt rạng rỡ của người dân nơi đây.
Thôn Bản Bung, xã Dương Quang hiện có 85 hộ, trên 400 nhân khẩu, đa số đều là dân tộc Dao. Những năm gần đây, nhờ đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, nhất là nhiều gia đình đảng viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” Bí thư chi bộ Phạm Thị Tươi đã tiên phong thực hiện chuyển đổi mô hình trồng khoai sọ trên diện tích đất bạc màu sang trồng chuối. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, 2ha chuối của gia đình chị phát triển tốt, mỗi năm cho thu trên 70 triệu đồng. Chị còn nhận bao tiêu chuối tây cho bà con nông dân ở trong vùng. Chị trồng thêm dứa xen dưới 1ha mơ vàng. Việc lấy ngắn nuôi dài mang lại thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Điều kiện kinh tế khá giả, chị được xây được nhà, mua sắm đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt và nuôi các con ăn học. Chị thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ những hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, cây giống. Đầu năm 2023, chị Tươi đã hỗ trợ gia đình ông Đặng Phú Tiến 1.000 cây quế giống để về trồng. Từ sự gương mẫu, đi đầu của người “thuyền trưởng”, người dân trong thôn đã học tập và làm theo. Cây chuối tây đã mang lại có nguồn thu nhập tốt cho bà con.
Người dân thôn Bản Bung, xã Dương Quang thu hoạch quả mơ vàng
Chị Phạm Thị Tươi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Bung, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) tươi cười chia sẻ: “Để giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, với vai trò người “thuyền trưởng” của Chi bộ, tôi đã đi đầu làm trước; những cuộc họp Chi bộ được tổ chức không phải định kỳ 01 tháng 01 lần mà bất cứ khi nào có chủ trương mới, có vấn đề cần phải giải quyết để phổ biến kịp thời đến bà con Nhân dân. Từ đó, bà con hiểu, tin và cùng nhau cố gắng phát triển kinh tế để thoát nghèo. Bản Bung đã đổi thay rồi. Bây giờ đường giao thông đi lại thuận lợi nên cuộc sống cũng khá hơn, ai cũng muốn thoát nghèo, ai cũng cố gắng lao động.”
Năm 2020, sau khi an cư, bà con trong thôn mua đất ruộng các thôn lân cận để canh tác và phát triển các mô hình sản xuất. Là một trong những hộ điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo từ trồng rừng, gia đình ông Vũ Văn Giáp, thôn Bản Bung giờ đây đã khá giả hơn trước. Hiện gia đình ông Giáp có khoảng 17ha rừng sản xuất, trong đó có 8ha quế và 9ha lát, mỡ. Để có thêm thu nhập, ngoài trồng rừng, gia đình ông còn trồng một số loại cây ăn quả khác. Ông nói: “Ngày trước khó khăn lắm, tôi phải làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình nhưng chưa khi nào thấy kinh tế no đủ. Vì vậy, khi được tuyên truyền về giá trị, lợi ích từ rừng trồng, tôi đã đăng ký tham gia các dự án. Gia đình tôi đã đầu tư mua thêm đất của một số hộ trong thôn để mở rộng diện tích. Nhờ khai thác rừng trồng, đến nay đời sống của gia đình được nâng lên đáng kể”.
Hiện toàn thôn có 6ha ổi, 12ha dứa, 25ha mơ vàng, 20ha chuối tây. Đây là những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đảng viên và Nhân dân, thôn Bản Bung đang từng ngày phát triển. Năm 2023, thôn Bản Bung chỉ còn 5 hộ nghèo. Từ một thôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nay Bản Bung trở thành một điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Thôn đã được UBND tỉnh Bắc Kạn biểu dương, khen thưởng vì đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo giai đoạn 2020-2022. /.
Hoàng Thạc