Chi trả BHXH, BHYT không dùng tiền mặt: Xu hướng tất yếu

Để phấn đấu hết năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH… ở khu vực đô thị sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân; chỉ đạo BHXH địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo việc thực hiện…

Nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân từ hơn 3 năm nay, ông Hoàng Quyết Tiến (63 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, phương thức này giúp người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. “Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc chi trả qua tài khoản ATM đã giúp tôi hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”- ông Tiến chia sẻ.

 

Còn bà Nguyễn Thị Bình (65 tuổi, TP.Ninh Bình) cũng nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân từ hơn 2 năm nay vì hay lên Hà Nội chơi với con cháu. Trước đó, khi được tư vấn về hình thức này, bà cũng có chút băn khoăn bởi tâm lý người già muốn được nhận tiền mặt để còn có dịp gặp gỡ mọi người. “Việc nhờ người nhận lương khá bất tiện nên tôi quyết định chuyển đổi hình thức từ nhận tiền mặt sang tài khoản cá nhân. Hiện tại, tôi yên tâm vì cứ đúng tháng, đúng ngày, lương sẽ được gửi về qua tài khoản, được thông báo trực tiếp vào điện thoại di động”- bà Bình kể.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như ông Tiến, bà Bình. Chia sẻ về việc này, bà Nguyễn Thị Lan (77 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có 3 người hưởng lương hưu, tuổi cao, sức khỏe không tốt. Việc nhận lương hưu qua tài khoản giúp chúng tôi không phải đi lại mỗi khi đến kỳ lĩnh lương. Tuy nhiên, vì trả lương qua tài khoản nên chúng tôi thường phải nhờ con cháu đi rút tiền hộ, chứ không dám đi rút tiền vì vừa không biết sử dụng thẻ lại sợ không an toàn”.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2020 có khoảng 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp trên cả nước được chi trả qua tài khoản cá nhân, tăng 18% về số người và tăng 15% về số tiền so với năm 2018. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua tài khoản cũng tăng, như: Hà Nội hiện có trên 159.000 người nhận lương hưu qua thẻ ATM; Đà Nẵng đạt tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản năm 2020 đạt 79,1%, vượt 28,1% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Về cơ bản, đến nay, ngoài kết nối thanh toán điện tử song phương với 5 hệ thống ngân hàng thương mại (Vietcombank,Vietinbank, BIDV, Agribank, MB) để quản lý thu BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân, BHXH Việt Nam đã chuẩn hóa thông tin dữ liệu người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, qua đó sẵn sàng chia sẻ dữ liệu thông tin của người hưởng với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, việc vận động người hưởng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp một số khó khăn, chủ yếu do người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đa phần là người lớn tuổi, không muốn rút tiền tại các máy ATM, sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi rút tiền, còn có tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt… Một số văn bản pháp lý chậm được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các văn bản quy định về các loại phí đối với dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng thực hiện thu nhiều khoản phí như phí thường niên, phí rút tiền, nên người hưởng phải duy trì số tiền tối thiểu trong tài khoản thẻ. Bên cạnh đó, hạn mức rút tiền tối đa còn thấp, nếu cần rút nhiều tiền sẽ phải thực hiện thao tác nhiều lần, dẫn tới mất nhiều lần phí nên cũng là một trong những khó khăn khi vận động người hưởng sử dụng dịch vụ này.

Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại cũng như Bưu điện đã phối hợp với cơ quan BHXH vận động người hưởng nhận tiền qua tài khoản cá nhân với ưu đãi về phí. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán còn hạn chế. Tình trạng máy ATM của một số ngân hàng thương mại hay gặp sự cố, không rút được tiền do quá tải, nhất là vào các ngày lễ, Tết, ngày thứ Bảy, Chủ nhật… Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM, dẫn đến cơ quan BHXH không có thông tin kịp thời khi người hưởng là chủ thẻ ATM từ trần, khó thu hồi tiền đã chi cho người hưởng những tháng sau từ trần.

Trước những khó khăn trên, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất các ngân hàng sớm có cơ chế, lộ trình tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng nhưng có mạng lưới tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (Bưu điện, mạng lưới của các đơn vị viễn thông…) trở thành đại lý của ngân hàng. Việc này nhằm mục đích mở rộng sự tiếp cận của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các vùng không có chi nhánh ngân hàng hoặc ít điểm rút tiền. Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí để duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu; có tính năng hạn chế, liên kết với thẻ ATM cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo… để họ nhận lương hưu, trợ cấp xã hội, sử dụng các dịch vụ gửi tiền, rút tiền, chuyển tiên giá trị nhỏ và thanh toán hóa đơn dịch vụ tiện ích.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tăng cường lắp đặt mở rộng hệ thống máy ATM, phát triển các đại lý của ngân hàng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để NLĐ, người hưởng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng. Các máy ATM phải đáp ứng đủ lượng tiền, thường xuyên được bảo trì để việc rút tiền không gặp trục trặc. Cùng với đó, các ngân hàng cần phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch, hộ khẩu có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ, để kịp thời dừng các giao dịch chuyển tiền khi chủ thẻ từ trần.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh Bắc Kạn