CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH THỦY ĐẬU

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thủy đậu có tên Varicella Zoster Virus gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh, xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông, đầu mùa xuân và có thể gây dịch.

anh tin bai

Các nốt phỏng nước trên cơ thể người mắc bệnh thủy đậu

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 số ca mắc thủy đậu trên địa bàn là 377 ca. Riêng từ đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn xuất hiện ổ dịch tại Trường Tiểu học Sông Cầu với 11 ca mắc. Các ca mắc đều được phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời, không có ca tử vong. Hầu hết các ca mắc đều không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng. Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng như: sử dụng chung đồ dùng cá nhân, bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống chung với người đang bị thủy đậu. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, sốt từ 37,8oC  đến 39,4 oC kéo dài 3 đến 5 ngày. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.

Là bệnh truyền nhiễm lành tính tuy nhiên bệnh thuỷ đậu cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Gây viêm não, viêm màng não đi kèm các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời. Viêm phổi thủy đậu: biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi phát bệnh. Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp, viêm tai giữa, viêm thanh quản, nhiễm trùng máu.

Khi bị bệnh thủy đậu cần cách ly với người khác cho tới khi khỏi hẳn (cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn). Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, vải mềm, thấm hút mồ hôi. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Đối với trẻ em: Nên cắt móng tay cho trẻ, mang bao tay để tránh cào gãi vào các nốt thủy đậu. Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Trong quá trình điều trị và chăm trẻ, mẹ phải chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên tái sốt cao hay các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi: Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất.

2. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

3. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

4. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

5. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Triệu Thị Hồng – CDC

cdc.backan.gov.vn