Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số

(backancity.gov.vn)- Có thể nói, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là lực lượng xung phong đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Chủ đề công tác năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Đây là quyết tâm lớn của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số. Phóng viên (PV) Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông thành phố có cuộc trò truyện với anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn về nội dung này.

Anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn cùng đoàn viên thanh niên Chi đoàn Dân chính đảng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa thành phố

PV: Thời gian qua, CĐS là cụm từ thường xuyên được nhắc đến, là mối quan tâm hàng đầu và cũng là xu thế tất yếu. Vậy theo anh, yếu tố quan trọng nhất của công cuộc CĐS trong thanh niên hiện nay là gì?

Anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn: Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật – và rõ ràng, thanh niên phải là lực lượng đi đầu, tiên phong. Bởi vậy, xây dựng “thanh niên số” là yếu tố quan trọng nhất.

Có 2 yếu tố quan trọng xây dựng “thanh niên số” là nhận thức số và năng lực số. Nhận thức số đóng vai trò rất quan trọng, vì chuyển đổi số có tính chất thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc cũ. Nếu nhận thức không đúng vai trò của nó thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi.

Thái độ, kiến thức và kỹ năng giúp chúng ta làm việc được trong môi trường số. Vai trò của tổ chức Đoàn và tổ chức khác là cần tạo môi trường để bạn trẻ phát triển kỹ năng số đó.

Từng đoàn viên thanh niên cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tự nâng cao năng lực số là điều rất quan trọng. Cả Đoàn thanh niên và đoàn viên, thanh niên cùng làm thì sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi số tốt được.

PV: Xin anh cho biết, các cấp bộ đoàn thành phố đã làm gì để việc CĐS trong thanh niên không chỉ là khẩu hiệu?

Anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn: Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, nhiệm kỳ 2022 – 2027 vào cuộc sống. Với khí thế thi đua sôi nổi của tuổi trẻ, Ban Chấp hành Thành đoàn ban hành Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023 với chủ đề: “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Theo đó, thành phố Bắc Kạn đã thành lập 08 tổ công nghệ cấp xã, phường và 117 tổ công nghệ thôn, tổ, trong đó Bí thư Chi đoàn làm Tổ trưởng hoặc lực lượng nòng cốt, chủ lực; đồng thời Ban Thường vụ Thành đoàn đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác Đoàn, như: tiếp tục duy trì có hiệu quả trang Fanpage Tuổi trẻ thành phố Bắc Kạn, xây dựng Kênh Zalo Official Account (OA) Tuổi trẻ thành phố Bắc Kạn trên mạng xã hội Zalo; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa 8 xã, phường và thành phố; hướng dẫn và hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VneID, Smart Bac Kan, C-BacKan; tuyên truyền các tiểu thương tham gia bán hàng tại các chợ, các hộ kinh doanh và người dân thực hiện việc mua, bán hàng hóa sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các Chợ triển khai mô hình Chợ 4.0… Hiện trong hệ thống Đoàn thành phố đã và đang rất tích cực trong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm họp, giao ban trực tuyến; sử dụng mã QR để quét tài liệu; số hoá tài liệu, văn bản .

Ban Thường vụ Thành đoàn cũng đã triển khai và hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đoàn sử dụng phần mềm Quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên truy cập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác đoàn viên thuộc thẩm quyền xử lý; qua đó giúp số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên trong toàn thành phố, đồng thời thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nghiệp vụ trong công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

PV: Ứng dụng CĐS còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là “thời điểm vàng” để ĐVTN phát huy vai trò xung kích trong thúc đẩy tiến trình CĐS. Vậy theo anh những cơ hội đó là gì? 

Anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, với tư cách vừa là chủ thể vừa là đối tượng chính thụ hưởng, thanh niên cần nhận thức chuyển đổi số vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức và thanh niên chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia, dân tộc. Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp thanh niên mở ra nhiều cơ hội để giúp nhau phát triển kinh tế, học tập, rèn luyện kỹ năng và trưởng thành hơn”.

PV: Công cuộc CĐS quốc gia là việc cần, việc khó mà ĐVTN phải là lực lượng xung phong đi đầu. Theo anh giải pháp nào để thanh niên làm chủ CĐS?

Anh Đồng Thiện Phúc, Phó Bí thư Thành đoàn Bắc Kạn: Để có thể làm chủ được chuyển đổi số, mỗi thanh niên ngày nay cần thường xuyên học tập và rèn luyện tích cực để trở thành các công dân số nhiệt huyết, trách nhiệm, xung kích, tiên phong đóng góp vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Thông điệp 5C – Chuyển đổi, Chủ động, Công nghệ số, Cẩn trọng và Chia sẻ, tương ứng với 5 việc làm, hoạt động mỗi thanh niên, người trẻ cần tích cực thực hiện để phát huy vai trò của tuổi trẻ tiên phong trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.Thanh niên tham gia vào chuyển đổi số trước hết cần chuyển đổi tổng thể và toàn diện các hoạt động sống và làm việc từ môi trường thực lên môi trường số. Bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi ấy là chuyển đổi nhận thức. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030”. Theo đó quan điểm của Chính phủ là “Nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Chuyển đổi nhận thức là bước đầu tiên, quan trọng và có giá trị tạo động lực để thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số.

Chủ động: Chủ động tham gia, hoạt động tích cực trên môi trường số để nhận thức được chuyển hóa thành hành động, mỗi người trẻ đã biết về chuyển đổi số có thể tham gia vào các hoạt động của chuyển đổi số, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ công nghệ số. Trong quá trình tham gia và hoạt động sẽ giúp rèn luyện và trau dồi kỹ năng số, từ đó dần hình thành văn hóa số.

Công nghệ số: Đam mê học hỏi, tìm tòi để làm chủ công nghệ, tận dụng những thành tựu, ưu điểm của công nghệ số phục vụ và nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong học tập, làm việc và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Mỗi thanh niên Việt Nam cần mang trong mình khát vọng đổi mới, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ để từ đó có thể tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng công nghệ số, các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, các thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ

Cẩn trọng: Tham gia vào môi trường số giúp cho không gian sống của con người được mở rộng một cách bình đẳng ra toàn cầu nhờ kết nối. Điều này không tránh khỏi sẽ có những rủi ro tiềm ẩn như: Lừa đảo mạng, lộ, lọt thông tin cá nhân, nhiễm mã độc, các nội dung văn hoá độc hại… Vì vậy, tham gia vào môi trường số, sống, học tập và làm việc trên không gian mạng mỗi thanh niên cũng cần chuẩn bị cho mình một “màng lọc an toàn” bằng việc thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, tham gia môi trường mạng an toàn, bảo mật và hợp pháp.

Chia sẻ: Văn hóa chia sẻ là một trong những văn hóa số tiêu biểu, và với thanh niên văn hóa ấy thể hiện phẩm chất, sự ưu tú của thế hệ trẻ. Mỗi thanh niên khi tham gia vào chuyển đổi số nếu có gì đã biết, đã tâm đắc hãy hướng dẫn, chia sẻ với những người xung quanh. Người trẻ hướng dẫn người già và trẻ em. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Để ai ai cũng được biết, được hiểu, được tham gia vào chuyển đổi số an toàn, lành mạnh và bền vững. Việc xung kích tham gia vào các Tổ Công nghệ số cộng đồng chính là thể hiện vai trò và sức mạnh của tuổi trẻ, thể hiện văn hóa chia sẻ của thanh niên.

Thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra “lá chắn thép” bảo vệ chúng ta trước đại dịch, thông điệp ấy đã phát huy rất tốt ý nghĩa và giá trị của mình. Trong hoạt động chuyển đổi số, hy vọng rằng thông điệp 5C này sẽ trở thành “đòn bẩy”, trở thành “chất xúc tác” để kích thích sự phát triển, trở thành động lực, cổ vũ sự tham gia nhiệt huyết, xung kích và sáng tạo của thanh niên trong chuyển đổi số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

Hoàng Thạc