Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

BBK – Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc các ngành: Quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ… cùng các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn (Đoàn Bắc Kạn) thể hiện quan điểm đồng tình với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về lưu trữ; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ và cơ quan, tổ chức nhận ký gửi, hiến tặng tài liệu cho lưu trữ lịch sử như tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu có quyền đề nghị được nhận lại tài liệu lưu trữ, được yêu cầu các điều kiện bảo quản tài liệu lưu trữ khi ký gửi, được giữ bí mật và được ưu tiên sử dụng hồ sơ, tài liệu, quyết định hồ sơ, tài liệu lưu trữ cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng…; quy định trách nhiệm ưu tiên ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho lưu trữ lịch sử các cấp; không được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; tuân thủ các thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; trả phí ký gửi tài liệu lưu trữ…

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhận tài liệu lưu trữ ký gửi, hiến tặng, đại biểu Huế cho rằng cần bổ sung quyền không nhận ký gửi tài liệu lưu trữ không có giá trị, có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc không thống nhất được thỏa thuận ký gửi giữa hai bên; chấm dứt hoặc dừng hợp đồng ký gửi tài liệu lưu trữ nếu tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu lưu trữ không tuân thủ các điều kiện theo thỏa thuận ký kết. Đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; sử dụng các biện pháp bảo quản, sử dụng an toàn tài liệu lưu trữ.

Liên quan đến cấp bản sao tài liệu lưu trữ, bản chứng thực tài liệu lưu trữ quy định tại Điều 23 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần rà soát với quy định của Luật Phí và lệ phí để đảm bảo tính thống nhất, vì Luật hiện hành chưa có quy định về nội dung này và nếu cần thiết phải quy định về nội dung này, đề nghị bổ sung tại danh mục lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, cần làm rõ “phí sử dụng tài liệu lưu trữ” quy định trong dự thảo Luật đã bao gồm những phí gì để quy định không bị “chồng phí”…

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước và đầu phiên họp buổi chiều biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)./.