Thành phố Bắc Kạn chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh thành phố. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra, có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp,… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh tay chân miệng sẽ tăng cao do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa thu.

Trường mầm non Happy Kids phun thuốc khủ trùng trường lớp

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách Trung tâm Y tế thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và đảm bảo việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Chuẩn bị sẵn sàng đảm bảo về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường tăng cường công tác giám sát, báo cáo ca bệnh, chuẩn bị đầy đủ phương tiện để điều trị bệnh và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương. Đặc biệt tại các trường học, nhà trẻ, trường Mầm Non  cần tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng chống dịch bệnh tay chân miệng . Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại cộng đồng

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, người dân cần chú trọng các biện pháp vệ sinh, như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn,  sau khi đi vệ sinh… Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn đồ chơi và các vật dụng, hạn chế cho trẻ ngậm mút đồ chơi, các vật dụng. Khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần hạn chế tiếp xúc, đồng thời đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất.

 

Thùy Linh